Thứ Hai, 18/11/2019, 09:24 [GMT+7]

Nghi án Seven.Am nguồn gốc Trung Quốc và nỗi niềm thương hiệu Việt

(Congannghean.vn)-Sau khăn lụa Khải silk và tivi Asanzo, đến lượt hãng thời trang nổi tiếng Seven.Am đứng trước nghi án hàng Việt Nam nhưng lại “Made in China” đã khiến dư luận hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng thực sự của những nhãn hàng mang thương hiệu Việt Nam.

Cửa hàng Seven.Am tại TP Vinh vẫn mở bán giữa “tâm bão” nghi án hàng Trung Quốc gắn nhãn mác Việt Nam
Cửa hàng Seven.Am tại TP Vinh vẫn mở bán giữa “tâm bão” nghi án hàng Trung Quốc gắn nhãn mác Việt Nam

Liên quan đến nghi án nhãn hàng thời trang nổi tiếng của Việt Nam Seven.Am có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, đầu tháng 11/2019 báo chí phản ánh về việc nhiều khách hàng phát hiện một số sản phẩm mang nhãn hiệu Seven.Am có dấu hiệu “cắt gốc, thay mới”. Một số kiện hàng như túi, khăn, quần áo được đưa về kho của Công ty Cổ phần MHA trước khi xuất đi sẽ được các công nhân kiểm tra từng sản phẩm. Nếu thấy bất kỳ chữ Trung Quốc nào, công nhân sẽ loại bỏ và thay vào đó bằng nhãn hiệu Seven.Am.

Sau khi sự việc nói trên được phanh phui, ngày 11/11, Đội Quản lý thị trường số 14 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 5 cửa hàng của Seven.Am tại Hà Nội và tạm giữ 9.035 sản phẩm gồm chân váy, đầm,… để điều tra, làm rõ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ các cửa hàng kinh doanh đều không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa, đồng thời chưa công bố hợp quy cho sản phẩm để đưa ra lưu thông theo quy định.

Ngay sau đó, chuỗi cửa hàng của hãng thời trang này đã phải đồng loạt đóng cửa, đến ngày 16/11, sau chuỗi ngày im ắng Công ty Cổ phần MHA mới có động thái liên hệ trở lại với khách hàng bằng cách mở một đường dây nóng để tiếp nhận mọi phản ánh của khách hàng, mặc dù vẫn chưa rõ thời gian nào Seven.Am sẽ mở cửa trở lại.

Tại Nghệ An, cửa hàng Seven.Am tại 116 Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh) là hệ thống duy nhất của MHA, đến nay vẫn mở cửa kinh doanh bình thường. Ông Nguyễn Công Chung, Đội Quản lý thị trường số 3 Nghệ An cho biết, sau khi có “nghi án” nhãn hàng này có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, ngày 14/11, Đội Quản lý thị trường số 3 đã kiểm tra, xác minh tại cửa hàng kinh doanh quần áo này. Qua kiểm tra, xác nhận trên các mặt hàng quần áo may mặc sẵn được sản xuất tại Việt Nam (Made in Việt Nam) có nhãn ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị Định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa nên cửa hàng này vẫn mở cửa kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề này, người đứng đầu Seven.Am cho biết, có sản phẩm được nhập về từ Trung Quốc nhưng có chứng từ, hóa đơn đầy đủ. Việc cắt gốc, thay mác là do khách hàng phản ánh việc mác của Trung Quốc khi sử dụng thường gây ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát của Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), chỉ mới phát hiện 1 tờ khai nhập hàng từ Trung Quốc về, trong khi số lượng hàng hóa của chuỗi cửa hàng thời trang này rất lớn. Đơn vị này nghi ngờ hàng hóa Seven.Am nhập về không đi qua đường chính ngạch mà theo một con đường khác. Về vấn đề này, Cục Điều tra chống buôn lậu đang kiểm tra, xác minh thông tin để đưa ra kết luận.

Được biết, thương hiệu thời trang Seven.Am thành lập năm 2009, hiện đã có 23 cửa hàng trên 18 tỉnh, thành tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Đây cũng được xem là một trong những mặt hàng làm nên  thương hiệu Việt trong suốt thời gian dài.

Mới đây nhất, thương hiệu tivi Asanzo được quảng bá là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, là đỉnh cao sản phẩm công nghệ của người Việt cũng bị phát hiện nhập linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp. Sau khi vào cuộc kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện Asanzo có các dấu hiệu sai phạm vi phạm sở hữu trí tuệ, lừa dối người tiêu dùng và trốn thuế.

Thực tế, Công ty TNHH Đầu sư sản xuất Phương Nguyên Asanzo nhập khẩu hàng hoá mang nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc về Việt Nam. Theo đó, đối với một chiếc tivi, 98% linh kiện và giấy bảo hành, tem, bao bì đều nhập khẩu và chỉ có 2% giá trị trong nước. Tương tự, các máy làm mát, lò nướng thủy tinh, lò nướng điện được nhập khẩu nguyên chiếc, các sản phẩm và bao bì đều ghi “Made in China” nhưng Asanzo lại quảng cáo sản phẩm là hàng Việt Nam chất lượng cao. Đây được cho là có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Hiện nay, vụ việc cũng đã được chuyển cho cơ quan Công an để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

.

Thiện Thành

.