Thứ Sáu, 08/11/2019, 08:16 [GMT+7]

Chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn

(Congannghean.vn)-Chiếm khoảng 76% diện tích và 85% dân số toàn tỉnh, vùng nông thôn Nghệ An giữ vai trò là vành đai xanh, cân bằng sinh thái; song hiện đang phải chịu áp lực rất lớn về môi trường. Xuất phát từ thực tế đó, yêu cầu đặt ra là chú trọng hơn nữa công tác phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

Việc lắp đặt thùng chứa bao bì, chai lọ thuốc BVTV trên đồng ruộng đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, hành động của người dân trong công tác bảo vệ môi trường
Việc lắp đặt thùng chứa bao bì, chai lọ thuốc BVTV trên đồng ruộng đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, hành động của người dân trong công tác bảo vệ môi trường

Bên cạnh những kết quả đạt được trên lĩnh vực phát triển công nghiệp, nông nghiệp hàng hóa, khu vực nông thôn Nghệ An đang đối diện với một số vấn đề ô nhiễm môi trường nan giải. Rác thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý triệt để, hiện mới chỉ có 12/21 huyện triển khai việc lắp đặt thùng chứa bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên đồng ruộng. Nhiều điểm ô nhiễm nghiêm trọng vẫn đang tồn tại trong khu dân cư, điển hình như các điểm ô nhiễm thuốc BVTV tồn dư…; nhiều điểm đen về tập kết rác thải tự phát tại các bờ sông, ven đường… gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Tại các cụm công nghiệp, công trình xử lý nước thải còn thiếu và chưa đồng bộ. Hiện toàn tỉnh có 67/152 làng nghề có ngành nghề không được khuyến khích phát triển, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao vẫn đang hoạt động.

Trước thực tế trên, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 623 về bảo vệ môi trường nông thôn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu nhằm ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục dần các khu vực đã bị ô nhiễm, phòng ngừa ô nhiễm; sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học khu vực nông thôn. Cùng với đó, khắc phục ô nhiễm môi trường, ưu tiên các điểm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng như: Xử lý các điểm ô nhiễm tồn lưu thuốc BVTV; kiểm tra, rà soát các điểm ô nhiễm thuốc BVTV chưa được đưa vào danh mục; xây dựng các trạm trung chuyển chất thải rắn, khu vực xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch… Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, 12 huyện khu vực nông thôn có khu tập kết chất thải rắn và khu xử lý chất thải rắn theo đúng quy định; 75% chất thải rắn tại cấp xã được thu gom và xử lý; 100% điểm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở khu vực nông thôn được đưa ra khỏi danh mục…

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ như tập trung quy hoạch điểm tập kết rác thải, điểm xử lý rác thải khu vực nông thôn; quy hoạch, tập trung làng nghề, quy hoạch nghĩa trang cho từng xã, từng địa phương; tổ chức hướng dẫn phân loại, thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải rắn khu vực nông thôn. Cùng với đó, đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải đã quy hoạch, tập trung xử lý các bãi chôn lấp đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Liên quan đến phát triển các làng nghề, cần hoàn thiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề, thực hiện di dời các làng nghề ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, nước thải cho các làng nghề tập trung… UBND các huyện, thành phố, thị xã lập kế hoạch bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải…

Về công tác quản lý Nhà nước, sẽ kiểm soát chặt chẽ môi trường khu vực khai thác, chế biến khoáng sản; kiên quyết thu hồi, đóng cửa các mỏ khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và xử lý nghiêm các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Về giải pháp phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường, chú trọng khâu khảo sát lựa chọn địa điểm, công nghệ, không thu hút đầu tư đối với các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; đồng thời ưu tiên, chuyển đổi dần sang phát triển các ngành công nghiệp sạch, ít tác động đến môi trường.

Để bảo vệ môi trường nông thôn bền vững, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và nâng cao hiệu quả hợp tác về môi trường cũng đóng vai trò quan trọng; đơn cử như việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất sản phẩm sạch. Qua đó, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế “xanh” mà còn góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

.

Thùy Dương

.