Kinh tế xã hội
Công trình tiền tỉ 'đắp chiếu' hơn thập kỷ
(Congannghean.vn)-Để phục vụ cho gần 200 ha đất nông nghiệp tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, năm 2002, nơi đây đã khởi công công trình thủy lợi cầu Sến với vốn đầu tư gần 1,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, công trình chỉ hoạt động được một thời gian ngắn đã phải dừng lại, gây lãng phí lớn.
Đường ống dẫn nước của dự án hiện không phát huy tác dụng |
Công trình thủy lợi cầu Sến được xây dựng từ năm 2002 và hoàn thành năm 2007. Công trình có 2 tổ máy và hệ thống đường ống rộng gần 1 m, thiết kế bằng ống thép, dài 600 m, chạy vòng qua cánh đồng chè, nằm cách mặt đất 1,5 m bởi chân trụ bê tông cốt thép vững chắc. Với mục đích phục vụ tưới tiêu cho hơn 200 ha đất nông nghiệp tại địa phương, công trình được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng thiếu nước trầm trọng vào
mùa khô.
Trên thực tế, vào mùa nắng nóng, nơi đây thường xuyên thiếu nước cung cấp cho vùng nguyên liệu chè và 80 ha lúa, theo đó, năng suất của cây trồng cũng không được cao. Khi nghe tin xã nhà được đầu tư xây dựng 1 hệ thống dẫn nước bằng bê tông dài 885 m, có nhiệm vụ dẫn nước từ đường ống về vùng nguyên liệu chè, người dân nơi đây hết sức vui mừng. Họ hy vọng, khi trạm bơm và tuyến kênh này hoạt động sẽ phục vụ tưới tiêu cho cây lúa cùng với diện tích chè công nghiệp, đời sống người dân sẽ được nâng cao, góp phần thay đổi bộ mặt của một vùng quê nghèo.
Tuy nhiên, từ khi công trình hoàn thành đến nay, hệ thống thủy lợi này chỉ duy nhất hoạt động được một lần khi chạy thử. Tại thời điểm hiện tại, máy móc, đường ống đã hoen rỉ, kênh bê tông nứt nẻ. Việc xây dựng trạm bơm và tuyến kênh không phát huy tác dụng, gây lãng phí lớn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Vinh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương cho biết: "Theo thiết kế, công trình này sẽ phục vụ quá trình sản xuất của bà con trong xã. Tuy nhiên, người dân nơi đây lại chuyển đổi cây trồng từ cây lúa nước sang cây chè, do hệ thống thủy lợi này không phù hợp với cánh đồng chè nên trạm bơm ngừng hoạt động. Lỗi này thuộc về trách nhiệm của đơn vị thực hiện, vì họ không khảo sát kỹ nhu cầu chuyển đổi cây trồng của người dân". Chính quyền xã đã nhiều lần gửi công văn trình lên Sở NN&PTNT Nghệ An và UBND huyện Thanh Chương để có phương án xử lý hệ thống thủy lợi này, có thể di dời đường ống. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa địa phương nào có nhu cầu sử dụng, ông Vinh cho biết thêm.
Nguyễn Quỳnh - Kha Sáng