Kinh tế xã hội
Đồng bộ các giải pháp trong phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu
(Congannghean.vn)-Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN), năm 2017, thiên tai trên địa bàn tỉnh đã làm chết 21 người, mất tích 2 người, bị thương 15 người; 175 nhà ở bị sập, cuốn trôi, 134 nhà thiệt hại rất nặng, 1.494 nhà thiệt hại nặng, 4.305 nhà bị ngập; thiệt hại trên 57.868 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản; làm chết 1.299 con gia súc, gần 76.000 con gia cầm; gây hư hỏng nhiều công trình trường học, đê điều, thủy lợi, giao thông nông thôn và hạ tầng thiết yếu khác.
Công an TP Vinh giúp dân sơ tán ra khỏi vùng ngập lụt trong năm 2017 |
Riêng vùng biển Nghệ An đã xảy ra 52 vụ tai nạn; làm chết 6 người, mất tích 4 người, bị thương 7 người, chìm 9 phương tiện, hư hỏng 21 phương tiện, trong đó đáng kể là vụ chìm tàu VTB 26 ngày 17/7/2017, tàu Hồng Anh 69 bị chìm ngày 30/10/2017 và tàu Lam Hồng 99 bị mắc cạn ngày 15/7/2017. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 2.687,08 tỉ đồng. Trong năm 2017, Nghệ An đã trích ngân sách hơn 32 tỉ đồng để khắc phục thiên tai.
Trong năm 2018, dự báo tình hình thời tiết tiếp tục tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Nghệ An được xác định vẫn là trọng điểm về lụt bão, lũ ống, lũ quét và cháy rừng. Để chủ động phòng chống và ứng phó, tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ PCTT và TKCN, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 806/QĐ-UBND, yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị lập phương án PCTT cụ thể của đơn vị mình; có kế hoạch và biện pháp chỉ đạo chặt chẽ, khẩn trương chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó có hiệu quả khi thiên tai xảy ra; kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống, sản xuất, kinh tế - xã hội cho các vùng bị thiên tai gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ PCTT theo quy định tại Khoản 1, Điều 43, Luật PCTT; xây dựng và phê duyệt kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai và TKCN; chỉ huy ứng phó thiên tai, TKCN trong phạm vi địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị tại địa phương thực hiện nhiệm vụ PCTT, TKCN; đồng thời, chỉ đạo, rà soát các phương án, kế hoạch tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn đảm bảo sát với tình hình thực tế ở từng vùng, khu vực và đặc điểm diễn biến từng loại hình thiên tai để có biện pháp chủ động phòng ngừa và đối phó với mọi tình huống…
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng và phê duyệt phương án PCTT-TKCN cụ thể theo phương châm “4 tại chỗ”; phòng ngừa, phát huy mọi khả năng nội lực; đồng thời, phối hợp với các lực lượng, tổ chức cùng toàn dân làm tốt công tác PCTT; phục hồi nhanh, có hiệu quả các sự cố thiệt hại do thiên tai gây ra.
Riêng đối với cấp huyện, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành, thị thực hiện tốt các công tác phòng, tránh trước khi thiên tai xảy ra như: Tập trung hoàn thành dứt điểm các mục tu bổ đê điều và công trình thủy lợi, công trình phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; các hạng mục công trình phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai được UBND tỉnh đầu tư đúng tiến độ; khẩn trương thi công các hạng mục công trình bằng các nguồn vốn hỗ trợ, cần ưu tiên những công trình xung yếu, trọng điểm về phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; thực hiện các công tác PCTT - TKCN trên địa bàn như kiểm tra xử lý các vi phạm theo các văn bản Luật PCTT, Luật Khí tượng Thủy văn, Luật Thủy lợi, tháo dỡ chướng ngại vật trên dòng chảy và các trục tiêu; kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc nhằm đảm bảo hệ thống mạng thông tin được thông suốt…
Xuân Thống - Huy Dũng