Kinh tế xã hội
Thị trường xuất khẩu lao động: Vẫn còn nhiều bất cập
(Congannghean.vn)-Không thể phủ nhận việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã làm thay đổi diện mạo của nhiều gia đình, làng xã và cả lượng ngoại tệ chuyển về hằng năm cho đất nước. Tuy vậy, bên cạnh những cái đạt được, vẫn còn đó không ít những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng XKLĐ để trục lợi, đem con bỏ chợ khiến người lao động bị bỏ rơi, thậm chí bỏ mạng ở xứ người.
Nhóm người tại Nghệ An đi XKLĐ ở Malaysia bị bắt nhốt suốt 1 tuần qua ở xứ người |
Tiếng kêu cứu từ xứ người
Chiều 13/3/2018, sau rất nhiều lần làm việc với thái độ cứng rắn và quyết liệt với các cơ quan chức năng liên quan, anh Đinh Văn Chính (SN 1991) trú tại xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, TP Vinh mới ra sân bay Nội Bài để đón được thi thể của mẹ mình là bà Trần Thị Bình (SN 1963) từ Ả rập Xê út về nước để mai táng sau gần 1 năm bị tử vong nơi xứ người.
Bà Bình bị khuyết tật, viêm tắc tĩnh mạch gây lở loét 2 chân không thể đi lại như người bình thường nhưng bằng cách nào đó, thông qua Công ty CP xây dựng nhân lực Gia Vy, trụ sở tại quận Hà Đông (Hà Nội), bà Bình đã được “phù phép” để làm hộ chiếu mang tên Vương Thị Hoài Thu (SN 1977), hộ khẩu thường trú tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, được Bệnh viện Giao thông Vận tải xác nhận đủ sức khỏe để đi XKLĐ vào tháng 7/2016.
Đến ngày 3/4/2017, anh Chính nhận được tin bà Bình tử vong ở xứ người. Với kết luận do “tê liệt thần kinh” và chết trong quá trình ở lại trung tâm bảo trợ xã hội, phía Công ty đưa bà Bình đi XKLĐ chỉ hỗ trợ 30 triệu đồng, đến nay chưa có đơn vị, cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm liên quan đến cái chết của người lao động. Sau gần 1 năm kể từ ngày mẹ tử vong ở xứ người, anh Đinh Văn Chính phải gõ cửa nhiều cơ quan chức năng mới đưa được thi thể bà Bình về nước để mai táng theo phong tục địa phương.
Xung quanh vụ việc người khuyết tật vận động, đang được hưởng trợ cấp thương tật 270.000 đồng mỗi tháng tại địa phương nhưng lại được hợp thức hóa hồ sơ dưới tên 1 người phụ nữ khỏe mạnh, lành lặn khác để đi XKLĐ, kết cục là bỏ mạng nơi xứ người, các cơ quan chức năng hữu quan vẫn đang tích cực phối hợp điều tra để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan.
Cũng trong thời gian này, 1 nhóm người lao động tại Nghệ An đi XKLĐ tại Malaysia liên tục gọi điện về nhà cầu cứu vì ở xứ người công việc và cuộc sống không như viễn cảnh ban đầu mà phía Công ty XKLĐ vẽ ra.
Theo anh Nguyễn Văn P. trú tại TP Vinh, đại diện cho nhóm người này thì thông qua Công ty CP Đầu tư và Hợp tác quốc tế Nam Việt, trụ sở tại Hà Nội, có chi nhánh tại phường Đội Cung, TP Vinh, anh P. cùng 3 người khác chấp nhận làm hồ sơ XKLĐ sang Malaysia sau khi bị phía môi giới thu số tiền 32 triệu đồng. Tại xứ người, cuộc sống lẫn công việc không như cam kết từ phía công ty đưa ra ban đầu, các anh bị bắt nhốt suốt 1 tuần nay, liên tục gọi điện về nhà kêu cứu nhưng chưa được giải cứu.
Quản lý lao động còn nhiều bất cập
Số liệu thống kê của Sở LĐ,TB&XH cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, Nghệ An có 61.518 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Năm 2017, toàn tỉnh đã đưa được 13.810 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó tập trung chủ yếu ở Đài Loan (4.820 người), Malaysia (1.528 người), Hàn Quốc (1.133 người), Nhật Bản (3.112 người) và các nước Trung Đông là 1.315 người. Nguồn thu nhập do XKLĐ chuyển về tỉnh hàng năm ước đạt 255 triệu USD/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường XKLĐ tại Nghệ An trong thời gian vừa qua vẫn còn những tồn tại, như tỉ lệ lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại cư trú bất hợp pháp vẫn ở mức cao, đặc biệt, con số này ở Hàn Quốc là gần 43%. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Hàn Quốc không tiếp tục ký biên bản thỏa thuận theo chương trình EPS trong thời gian qua.
Tình trạng này đã gây hệ quả xấu cho thị trường lao động, thậm chí người lao động còn bị trục xuất về nước trước thời hạn và phải bồi thường phí hợp đồng, bị cấm XKLĐ trong thời gian 5 năm. Bên cạnh đó, tình trạng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới để sang các nước chưa được phép XKLĐ, dẫn đến làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp bằng nhiều hình thức, đi du lịch, thăm thân hoặc kết hôn giả đã gây thiệt hại nhiều mặt cho chính bản thân người lao động.
Đơn cử, tại xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, theo ông Đinh Viết Nam, Phó Chủ tịch UBND xã thì trong tổng số 170 lao động đang đi lao động ở nước ngoài của xã này tính đến thời điểm hiện tại, có đến 140 người đi lao động ở dạng tự do. Trong khi đó, theo thống kê của Sở LĐ,TB&XH Nghệ An, năm 2016, số lao động di cư tự do tại một số nước như Lào, Thái Lan, Campuchia, Anh, Nga, Australia... gần 11.400 người. Đa phần những người này đều không có hợp đồng lao động, họ phải chấp nhận sống chui lủi, tự tìm kiếm việc làm, thiếu an toàn và bất cứ lúc nào cũng có thể bị bắt giữ, trục xuất về nước.
Ngoài ra, hiện nay có khoảng 50 - 60 đơn vị tham gia tuyển dụng lao động trên địa bàn, song phần lớn trong số này đều là các văn phòng đại diện, chi nhánh mà chưa có doanh nghiệp uy tín dẫn đến vẫn còn nhiều kẽ hở cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng để lừa đảo XKLĐ. Việc doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh quá nhiều, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến tuyển dụng chưa đúng theo đơn hàng phê duyệt, người lao động không hưởng đầy đủ quyền lợi theo cam kết ban đầu.
Thiện Thành