Trong một đánh giá mới đây của hãng tin Bloomberg, Việt Nam đồng (VNĐ) được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất ở châu Á.
Việc điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam.
Hãng tin Bloomberg đưa ra nhận định này trong công bố mới đây dựa trên phân tích về biến động của đồng tiền Việt Nam trong những tháng liên tiếp gần đây.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, những tháng qua, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân về ngoại tệ đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Đến ngày 25/10/2017, tỷ giá trung tâm tăng 1,4%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,19% so với cuối năm 2016.
Hãng tin Bloomberg đánh giá: Việt Nam đã trở thành một "con hổ châu Á" về kinh tế, một nền kinh tế được đánh giá cao ở châu Á.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, "con hổ" này những năm qua được nuôi dưỡng bằng đòn bẩy tín dụng với tổng dư nợ thường xuyên ở mức cao, từ 110 - 120% GDP. 10 tháng đầu năm nay, những yếu tố đó đang có thay đổi.
Số liệu cập nhật mới nhất, tính đến ngày 31/10/2017, tín dụng đã tăng 13,66% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây. Khác biệt, tín dụng tăng mạnh ngay từ đầu, trải đều qua các tháng thay vì dồn toa vào cuối năm như trước đây.
Quan trọng hơn, hiệu quả tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng cải thiện. Tính toán cho thấy, tốc độ tăng tín dụng cần thiết cho 1% tăng trưởng kinh tế đã giảm từ 3,84% quý 1 xuống 3,10% quý 2 và xuống còn 2,52% quý 3.
Các chuyên gia thì cho rằng, sự ổn định sẽ còn được duy trì đến hết năm nhờ những yếu tố tích cực của nền kinh tế.
Tại Diễn đàn Hà Nội do Nikkei Asean Review tổ chức với chủ đề: “Đánh giá triển vọng tăng trưởng và thiết kế chính sách cho giai đoạn tới” diễn ra ngày 15/11, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư bày tỏ sự lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Shosuke Mori, Giám đốc bộ phận ngân hàng quốc tế MSBC, trong 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn trên 5%, GDP trên đầu người liên tục tăng, cơ cấu ngành kinh tế có sự dịch chuyển mạnh mẽ, đẩy mạnh xuất khẩu và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu… Bước phát triển này khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản.
Ông Shosuke Mori cho biết: “Có 6 lý do khiến các nhà đầu tư Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Đó là Việt Nam có dân số đông, người lao động chăm chỉ, vị thế địa chính trị thuận lợi, môi trường kinh doanh cởi mở, tương đồng văn hóa và đặc biệt là môi trường kinh tế và chính trị ổn định”. Những lợi thế này cùng với những nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục là địa điểm đầu tư hấp dẫn.
Theo Nikkei Asean Review, Việt Nam hiện nay là một trong những nước đang phát triển năng động và nhanh nhất ở châu Á. Những cải cách thị trường chứng khoán và việc tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước gần đây sẽ là động lực chính giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và là động lực thúc đẩy đầu tư, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
.