Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/trong-nuoc/201607/phai-co-trach-nhiem-doi-voi-tung-dong-tien-thue-cua-dan-690996/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/trong-nuoc/201607/phai-co-trach-nhiem-doi-voi-tung-dong-tien-thue-cua-dan-690996/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 29/07/2016, 08:14 [GMT+7]

Phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân

Tiếp tục kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, chiều 28/7, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về quyết toán ngân sách nước năm 2014.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN 2014
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN 2014

Kiến nghị quyết toán tăng chi từ giải ngân vốn ODA

Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. Theo đó, quyết toán thu ngân sách 877.697 tỷ đồng; tăng 12,1% (94.997 tỷ đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ dầu thô và tăng thu tiền sử dụng đất, thuế nhập khẩu, và thu từ các khu vực kinh tế; trong đó ngân sách trung ương tăng 43.165 tỷ đồng; ngân sách địa phương  tăng 51.832 tỷ đồng. Quyết toán chi ngân sách trung ương là 496.679 tỷ đồng, tăng 1,7% (8.421 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do tăng tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi.

Về bội chi ngân sách nhà nước và các khoản vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, quyết toán số bội chi là 249.362 tỷ đồng, vượt 25.362 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, bằng 6,33% GDP thực hiện, tăng so với dự toán 0,64% GDP do tăng chi từ vốn vay ngoài nước ODA 26.169 tỷ đồng (gồm cả một số nhiệm vụ chi thường xuyên theo chương trình mục tiêu), chủ yếu cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nên giải ngân cao hơn dự kiến và tăng chủ yếu cho lĩnh vực giao thông 6.630 tỷ đồng, thủy lợi 3.313 tỷ đồng, các địa phương 9.365 tỷ đồng nên theo quy định phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng.

Phải bố trí hoàn trả nguồn 1.608 tỷ đồng chi thường xuyên

Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 do Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày chỉ rõ, trong thực hiện dự toán thu ngân sách năm 2014 vẫn diễn ra khá phổ biến tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách Nhà nước… Từ quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm là 8.287,3 tỷ đồng.

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán - Ảnh: Đình Nam
Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán - Ảnh: Đình Nam

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị quyết toán chi thường xuyên năm 2014 là 723.292 tỷ đồng, tăng 2,7% dự toán. Nhưng kết quả kiểm toán cho thấy, hầu hết các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán được duyệt; 16/50 địa phương được kiểm toán còn sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách; tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước kiến nghị 21/50 tỉnh, thành phố được kiểm toán bố trí hoàn trả nguồn 1.608 tỷ đồng; sử dụng 107,8 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu... để bổ sung chi thường xuyên hoặc bù hụt thu không đúng quy định. Báo cáo kiểm toán cũng chỉ rõ, một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương đủ theo quy định, báo cáo sai nguồn cải cách tiền lương, dẫn đến Bộ Tài chính cấp thừa kinh phí cải cách tiền lương 242 tỷ đồng.

Chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức còn nhiều

Trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 của Chính phủ trình đã tuân thủ theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục quyết toán ngân sách nhà nước. Song công tác xây dựng và giao dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014 ở một số địa phương còn thiếu tích cực: sau khi được Trung ương giao dự toán, nhiều địa phương đã giao dự toán thu cao hơn, xây dựng dự toán chưa dự báo và bao quát hết nguồn thu, chưa đánh giá đúng và đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu và phát sinh ở cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách Nguyễn Đức Hải trinh bày Báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách Nguyễn Đức Hải trinh bày Báo cáo thẩm tra

Do vậy, khi thực hiện có nhiều khoản thu đạt tỷ lệ cao, có khoản lại không đạt so với dự toán, ảnh hưởng đến cân đối và điều hành của các cấp ngân sách. Tỷ lệ được kiểm tra, thanh tra người nộp thuế nhìn chung còn thấp so với yêu cầu; quản lý thuế còn sơ hở, việc xử lý các vi phạm còn hạn chế, áp dụng chế tài chưa đủ răn đe nên thất thu ngân sách còn nhiều; tình trạng khai man, gian lận, trốn thuế xảy ra ở hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm toán; tình trạng chuyển giá trốn thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ở khu vực ngoài quốc doanh ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp khó kiểm soát; tình trạng tiếp tay cho các vi phạm về thuế vẫn tồn tại và chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; nhiều vụ việc trốn thuế, vi phạm trong xử lý hoàn thuế phải chuyển cơ quan Công an điều tra theo quy định của pháp luật. Công tác quản lý, hạch toán thu ngân sách nhà nước còn xảy ra tình trạng xử lý chứng từ nộp NSNN chưa kịp thời, dẫn đến số thu ngân sách nhà nước năm 2014 phải chuyển sang niên độ ngân sách năm sau 5.650,7 tỷ đồng để quyết toán ngân sách nhà nước.

Về quyết toán chi ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách chỉ rõ, một số khoản chi của một số địa phương xây dựng dự toán chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế, giao dự toán chi đầu tư phát triển không phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn, bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, xây dựng và giao kế hoạch vốn đầu tư ngoài nước chưa phù hợp... nên nhiều khoản chi vượt dự toán hoặc không đạt so với dự toán, thừa nguồn kinh phí nhưng ngược lại có nhiệm vụ chi cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán được Quốc hội quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đề ra.

Đặc biệt, tình trạng chi ngân sách nhà nước chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn nhiều nhưng chưa được khắc phục triệt để . Một số địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí; sử dụng nguồn tăng thu, cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu... để bổ sung chi thường xuyên; chuyển nguồn không đúng quy định.

Quyết toán chi nguồn vốn ngoài nước vượt dự toán được giao nhưng chưa kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định, dẫn đến bội chi thực tế tăng khá cao so với dự toán. Chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương vẫn còn rất lớn làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân

Thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cho rằng, với sự nỗ lực và cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, những khó khăn đã từng bước được khắc phục, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, mức tăng trưởng kinh tế đạt 5,98% cao hơn kế hoạch đặt ra là 5,8% đã được cử tri cả nước ghi nhận.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn phát biểu tại Hội trường

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn- Hà Nội cho rằng, bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 bằng 6,33% GDP thực hiện được, vượt con số bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định là 5,3% GDP. Nợ công năm 2014 bằng 58,02% so với GDP. Mặc dù nằm trong giới hạn theo quy định của Chính phủ và Quốc hội song đại biểu quan ngại tốc độ nợ công tăng nhanh, tăng 17,1% so với năm 2013; chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nợ công còn nhiều hạn chế do công tác tổ chức quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, lập báo cáo; Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng để xác nhận số dự nợ công này là đầy đủ, chưa ghi thu, chi vốn vay nước ngoài kịp thời, đúng tiến độ; một số địa phương không lập kế hoạch vay và trả nợ vay, không bố trí đủ dự toán để trả nợ. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Tuấn đề nghị, các cơ quan hữu quan cần nhìn thẳng vào những mặt còn hạn chế, tìm ra giải pháp cụ thể để hạn chế nợ công tiếp tục phi mã bởi nợ công là một trong những chỉ số về sức khỏe của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần huy động nguồn tiền nhàn rỗi để giảm thiểu rủi ro sức ép về tỷ giá và lãi suất.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong giải quyết tồn tại được báo cáo kiểm toán nêu ra chi tiết và có địa chỉ cụ thể. Trong năm 2014, ngành tài chính có nhiều cải cách trong hành thu, cải cách hành chính, giúp tăng thu hơn so với dự toán. Vấn đề đặt ra là sao tăng thu cao, mà số bội chi ngân sách Nhà nước vẫn cao hơn so với dự toán (6,33% GDP), Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân- TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng này có hai lý do cơ bản: GDP danh nghĩa thực hiện năm 2014 được thực hiện thấp hơn so với dự toán, song tình trạng này không phải do tăng trưởng không đạt kế hoạch mà do dự báo về lạm phát năm 2014 không chính xác (dự báo 7%, thực tế 1,84%). Thứ hai, tổng chi ngân sách vượt dự toán, trong đó phần lớn do tăng chi đầu tư phát triển.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu tại Hội trường

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đưa ra nhiều tồn tại trong chấp hành kỷ cương, kỷ luật ngân sách Nhà nước: lập dự toán chưa đủ các khoản thu; bố trí ngân sách Trung ương vượt tỷ lệ hỗ trợ cho một số dự án không đúng đối tượng; một số bộ ngành, địa phương lập lại dự toán cao hơn so với ngân sách; một số địa phương xuất hiện một số nhiệm vụ chi chưa tuân thủ phân bổ của Hội đồng nhân dân tỉnh... Một thực trạng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra đọc lên rất buồn là: hầu hết các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi thường xuyên không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán được duyệt. Tôi kiến nghị, Chính phủ, các bộ ngành cần rà soát các chế độ, định mức để phù hợp với thực tế.

Chúng ta còn khá nhiều sai phạm trong chi ngân sách lặp lại qua các năm. Tại bài phát biểu sau Lễ tuyên thệ, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình với quan điểm này và mong bộ máy Chính phủ mới thực hiện một số kiến nghị: cần tôn trọng kỷ cương, kỷ luật ngân sách và thực hiện nghiêm tại các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

.

Nguồn: Quochoi.vn

.