Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201711/bao-ve-khoang-san-chua-khai-thac-nhieu-giai-phap-dong-bo-767326/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201711/bao-ve-khoang-san-chua-khai-thac-nhieu-giai-phap-dong-bo-767326/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác: Nhiều giải pháp đồng bộ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 16/11/2017, 14:27 [GMT+7]

Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác: Nhiều giải pháp đồng bộ

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, trước thực trạng nguồn tài nguyên khoáng sản đang có xu hướng cạn kiệt, Nghệ An đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, quản lý khoáng sản chưa khai thác gắn với việc bảo vệ môi trường, đảm bảo ANTT tại khu vực có khoáng sản nhằm phục vụ sự phát triển bền vững.

Cần siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản
Cần siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

Nguy cơ cạn kiệt

Tỉnh ta có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng với nhiều loại có tiềm năng và giá trị kinh tế lớn. Những năm gần đây, một số khoáng sản có sự suy giảm mạnh về số lượng như quặng, đất san lấp, cát sỏi ở lòng sông do hoạt động khai thác trái phép ở một số khu vực thường xuyên tái diễn và tiềm ẩn nguy cơ tái phát.

Tính đến đầu tháng 7/2017, toàn tỉnh có 150 giấy phép khai thác khoáng sản đang hoạt động. Mặc dù các cấp, ngành liên quan đã phối hợp chấn chỉnh, siết chặt hoạt động trên song tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra trên địa bàn, tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn bộc lộ nhiều hạn chế, đặt ra vấn đề cấp thiết là cần sớm có giải pháp nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên chưa khai thác, phục vụ sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Trước yêu cầu nói trên, ngày 12/9/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4182 về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Quyết định này quy định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; qua đó góp phần ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép cũng như nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản.

Theo đó, phương án này quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của 16 ngành có liên quan, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, như: Sở TN&MT, Công an tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở GTVT, Sở Xây dựng, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh...Cụ thể, đối với người đứng đầu chính quyền địa phương: Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc địa bàn quản lý, trước pháp luật và Chủ tịch UBND huyện khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài hay nhận được thông tin phản ánh về khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra, nhưng không có biện pháp giải quyết hoặc cố tình chậm trễ trong việc kiểm tra xử lý.

Theo Sở TN&MT, khoáng sản chưa khai thác cần được bảo vệ gồm: Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, khu vực thuộc quy hoạch khoáng sản của địa phương và Trung ương, khu vực đã và đang thực hiện điều tra, đánh giá khoáng sản, khu vực đã thực hiện đóng cửa mỏ, khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản... Riêng khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia có 14 khu vực cần bảo vệ; trong đó, 4 khu vực thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 và 10 khu vực thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhằm tăng cường siết chặt quản lý hoạt động trên, Sở TN&MT cũng đã soạn thảo quy chế phối hợp công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh.

Trong đó, Công an 2 tỉnh có trách nhiệm: Giao lực lượng Cảnh sát Môi trường 2 tỉnh phối hợp kiểm tra, xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép tại vùng giáp ranh 2 tỉnh; giao lực lượng CSGT đường bộ, đường sắt 2 tỉnh phối hợp xử lý các hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ qua lại giữa 2 tỉnh. Lực lượng Cảnh sát Đường thủy 2 tỉnh phối hợp xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán khoáng sản cát, sỏi trái phép trên tuyến sông Lam, sông La khu vực giáp ranh giữa 2  tỉnh; lực lượng Cảnh sát Kinh tế 2 tỉnh phối hợp điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế liên quan đến hoạt động khoáng sản qua lại giữa 2 tỉnh.

Song song với việc phát huy trách nhiệm của các ngành, địa phương, công tác tuyên truyền, vận động người dân và các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cũng được đặc biệt chú trọng.

Trên thực tế, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là nhiệm vụ khó khăn, bởi phạm vi bảo vệ, tính chất ngày càng phức tạp của công tác này. Thời gian tới, với sự hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến vấn đề trên, cộng với sự phối hợp tuyên truyền của các cấp, ngành liên quan, công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên chưa khai thác sẽ được siết chặt, phục vụ tốt yêu cầu phát triển KT-XH.

.

Hồng Hạnh

.