(Congannghean.vn)-2016 là năm có nhiều sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn Nghệ An. Bên cạnh những thành tựu, kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, Nghệ An cũng chịu tác động, ảnh hưởng từ những yếu tố, vấn đề phát sinh ở các địa phương lân cận. Báo Công an Nghệ An xin điểm lại 5 sự kiện, vấn đề nổi bật trên địa bàn tỉnh trong năm 2016.
1. Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
Cán bộ, chiến sỹ Công an Nghệ An bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 |
Theo báo cáo đánh giá của Ủy ban bầu cử tỉnh, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh diễn ra thành công tốt đẹp, đảm bảo an toàn tuyệt đối, dân chủ cao, đảm bảo về cơ cấu, số lượng đại biểu được bầu, chất lượng đại biểu được nâng lên, tỉ lệ cử tri đi bầu đạt 97,68%. Người dân đều rất hào hứng, tích cực hưởng ứng và đặt niềm tin vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Theo đó, việc mở hòm phiếu và kiểm phiếu đều có sự giám sát của cử tri, báo chí… một cách dân chủ, công khai, minh bạch, rõ ràng. Đây chính là điểm mới trong thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Các đại biểu được bầu thực sự là những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Trong các phiên họp của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An đã tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào việc xây dựng, sửa đổi các nội dung Luật để phù hợp với tình hình thực tế. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh đã thẳng thắn trao đổi, đóng góp nhiều nội dung, vấn đề quan trọng tới Quốc hội.
2. Đánh giá kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26
Với vị trí đặc biệt, Nghệ An được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 ngày 31/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Nghị quyết đã đặt ra những mục tiêu tổng quát cho tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, tỉnh đã tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
Lãnh đạo Trung ương và tỉnh Nghệ An trao đổi tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 |
Sau 3 năm, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Kết cấu hạ tầng trọng điểm và quản lý quy hoạch ngày càng được tăng cường đầu tư, phong trào xây dựng nông thôn thu được nhiều kết quả tích cực. Hạ tầng đô thị được cải thiện rõ nét, đặc biệt là tại các đô thị lớn; công tác chỉnh trang, vệ sinh môi trường được quan tâm, góp phần xây dựng hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại; TP Vinh dần dần mang “vóc dáng” của trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung Bộ…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh nghiêm túc nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo với tỉ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, chỉ bằng 70% mức trung bình của cả nước. Tăng trưởng chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp chưa rõ nét theo hướng công nghiệp hóa, chất lượng tăng trưởng còn thấp, sức cạnh tranh yếu, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thời gian tới, với mục tiêu thực hiện và đáp ứng sự kỳ vọng của Trung ương và nhân dân tỉnh nhà.
3. Sự cố môi trường Formosa
Trong tháng 4/2016, vùng ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) xảy ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến ANTT và cuộc sống của người dân. Ngay sau khi có thông tin về sự cố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý.
Ngày 28/6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua; đồng thời cam kết thực hiện bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam, với tổng số tiền tương đương hơn 11.500 tỉ đồng (500 triệu USD); khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngư dân miền Trung nỗ lực bám biến, vươn khơi |
Tại Nghệ An, tuy môi trường biển không bị ô nhiễm nhưng tâm lý “lo sợ ảnh hưởng dây chuyền” khiến du khách vẫn còn e ngại khi đến Cửa Lò và các bãi biển tham quan nghỉ dưỡng. Hoạt động du lịch, đánh bắt, khai thác, mua bán thủy, hải sản cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân tích cực bám biển, vươn khơi. Vượt qua giai đoạn khó khăn, hiện nay, ngư dân Nghệ An vẫn tiếp tục nối nghiệp truyền thống; đồng thời, hy vọng nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt của Trung ương và địa phương.
Sự cố môi trường cũng là bài học đắt giá cho các địa phương trong việc chọn lựa các dự án đầu tư. Như lời Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã khẳng định: Nghệ An thu hút các nhà đầu tư chiến lược với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhưng không chấp nhận đầu tư bằng mọi giá.
4. Thiệt hại nặng nề do mưa bão
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, từ ngày 10 - 15/9, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to đến rất to, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo thống kê, do ảnh hưởng của mưa bão, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 5 người chết, 1 người mất tích và hàng trăm nhà ở, tài sản bị hư hỏng, cuốn trôi; tổng thiệt hại ước tính lên tới hơn 748 tỉ đồng. Sau đợt mưa lũ vừa qua, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn cũng bị sạt lở, hư hỏng. Mưa lớn còn gây ngập úng và thiệt hại nặng nề các loại cây trồng, làm hư hỏng nhiều công trình giao thông của một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn. Một số xã còn bị cô lập và chia cắt giao thông, gây khó khăn cho quá trình khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, cũng chính trong hoạn nạn, tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc giúp đỡ đồng bào lại càng có điều kiện tỏa sáng. Hàng chục tỉ đồng cùng những vật dụng thiết yếu được trao đến người dân vùng rốn lũ ở Nghệ An và các tỉnh miền Trung. Lãnh đạo Trung ương, địa phương cũng đã xuống tận nơi chia sẻ, động viên và giúp đỡ người dân.
Với tinh thần trách nhiệm, Công an Nghệ An đã phối hợp với các ban, ngành khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ với cố gắng cao nhất để tìm kiếm người mất tích; thăm hỏi, động viên và giúp đỡ các gia đình có người chết, người bị thương; cứu trợ các gia đình bị thiệt hại khó khăn, không để bất kỳ gia đình nào thiếu đói; hỗ trợ sửa chữa nhà cho các hộ bị hư hỏng để bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống; khẩn trương khắc phục các công trình, đường giao thông bị hư hỏng; sửa chữa, khôi phục đường sắt Bắc - Nam và các tuyến đường nhanh chóng lưu thông trở lại.
5. Nghệ An chủ động thu hút đầu tư nước ngoài
Lãnh đạo Công ty Hemaraj tìm hiểu về khả năng tiếp nhận tàu của cảng nước sâu ở Nghi Thiết |
Trong năm 2016, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã tiến hành nhiều chuyến công tác nước ngoài, chủ động tuyên truyền về những thế mạnh, ưu điểm của Nghệ An để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài từ các quốc gia truyền thống và mở rộng thêm các quốc gia tiềm năng trong khu vực; đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, các dự án lớn như: Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An; Bến số 5, 6 Cảng Cửa Lò; Nhà máy Xi măng Sông Lam 1 và Sông Lam 2; Xi măng Tân Thắng; Cải tạo Khu A Chung cư Quang Trung (TP Vinh); Bệnh viện Đa khoa Nghệ An giai đoạn II; Nhà máy chế biến thực phẩm MASAN giai đoạn II…
Trong tổng số các dự án thu hút đầu tư nước ngoài, phải kể đến lễ ký kết thỏa thuận đầu tư Dự án khu công nghiệp, đô thị WHA Hemaraj tại Khu kinh tế Đông Nam giữa tỉnh Nghệ An cùng Công ty Hemaraj và Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4. Dự án đầu tư Khu công nghiệp WHA Hemaraj 1 - Nghệ An theo kế hoạch sẽ triển khai tại Khu kinh tế Đông Nam thuộc địa bàn huyện Nghi Lộc, trên quy mô 3.200 ha với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 22.000 tỉ đồng (tương đương 1 tỉ USD). Sau VSIP, đây được xem là Dự án lớn, khẳng định nỗ lực của Nghệ An trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án FDI.