Kinh tế xã hội

Dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn lỗi hẹn

16:40, 18/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Theo phê duyệt ban đầu, đến cuối năm 2015, Dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành, đang phải vừa thi công, vừa chờ vốn.

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Danh Phú, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An, cho biết: Dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn khi hoàn thành sẽ có vai trò hết sức quan trọng trong việc lấy nước từ sông Lam để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho các đơn vị và người dân 5 huyện, thị khu vực phía Nam của tỉnh Nghệ An, gồm: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Cửa Lò và Vinh. Do vậy, Dự án này được tỉnh Nghệ An cũng như Bộ NN&PTNT rất quan tâm.

Dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn vừa thi công, vừa chờ vốn
Dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn vừa thi công, vừa chờ vốn

Theo tìm hiểu của phóng viên, địa điểm triển khai Dự án cống Nam Đàn ngày nay đã được người Pháp (khi còn đô hộ Việt Nam – P.V) xác định vị trí trước đó. Song, trong quá trình thăm dò địa chất gặp nhiều khó khăn, công nghệ thi công chưa đáp ứng được nên người Pháp trước đây đành chuyển sang vị trí khác (bara Nam Đàn ngày nay – P.V).

Theo ông Cao Danh Phú thì sau nhiều năm khai thác sử dụng, hiện bara Nam Đàn không còn đáp ứng được việc lấy nước thường xuyên, cao trình không đảm bảo, mực nước nhiều năm bị âm. Do vậy, khi triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn thì vị trí do người Pháp xác định trước đó là địa điểm thích hợp nhất, vì dòng chảy sông Lam khi qua đây bị một dãy núi chắn phía dưới, nước bị quẩn trở lại. Tuy nhiên, địa chất nơi đây rất phức tạp, cả vùng này như một túi bùn khổng lồ, vì vậy gặp nhiều trở ngại trong thi công.

Sau khi được Chính phủ và Bộ NN&PTNT phê duyệt, tháng 4/2010, Dự án xây dựng, nâng cấp mở rộng cống Nam Đàn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, có tổng mức đầu tư 536,7 tỉ đồng được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành công trình vào ngày 30/12/2015.

Dự án này do Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An làm chủ đầu tư, được chia thành 7 gói thầu, gồm: Gói thầu số 1 cống Nam Đàn và âu thuyền; gói thầu số 2 xây dựng cầu giao thông qua kênh trên Quốc lộ 46; gói thầu số 3 xây dựng đường thi công và kênh dẫn hạ lưu; gói thầu số 4 xây dựng nhà quản lý và đường quản lý; gói thầu số 5 cung cấp, lắp đặt thiết bị cơ khí; gói thầu số 6 xây dựng biến áp và đường dây cao thế và gói thầu số 7 xây trạm bơm mới và thiết bị trạm bơm.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai dự án, một số nhà thầu không đủ năng lực đã phải chuyển khối lượng công trình cho phía nhà thầu là Công ty TNHH Hòa Hiệp tiếp tục thi công. Đến thời điểm hiện tại, sau gần 5 năm triển khai, ngoài một số gói thầu đã hoàn thành thì gói thầu quan trọng nhất là kênh dẫn nước về hạ lưu nối với sông đào đang vừa thi công, vừa đợi vốn.

Lý giải về việc dự án chậm tiến độ, ông Cao Danh Phú cho biết: Do địa chất phức tạp, đơn vị tư vấn thiết kế không đánh giá được hết các khả năng xảy ra. Bên cạnh đó, quá trình thi công nhà thầu phải thay đổi một số phương án kỹ thuật. Mặt khác, do trượt giá vật liệu nên dự án này đã đội vốn hơn 100 tỉ đồng, hiện nguồn vốn bố trí cho dự án cũng đã hết.

Về phía đơn vị thi công, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đình Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp cho biết: Quá trình thi công dự án này gặp nhiều khó khăn, do địa chất phức tạp, lòng đất chủ yếu là bùn và cát chảy, nhiều đoạn cọc cừ chiều dài 12 m đóng xuống đất mà như thả xuống giữa hố bùn. Để thi công phần lòng kênh, nhà thầu đã phải múc đất lên phơi khô sau dùng lại, đóng cọc cừ bê tông, dùng dây neo giữa hai hàng cừ rồi đổ cát xuống ở giữa để cố định…

Về phía chủ đầu tư, ông Cao Danh Phú cho biết: Dự án đang thi công cầm chừng là do số vốn giải ngân cho dự án đã hết sạch. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ phê duyệt bổ sung nguồn vốn cho dự án. Chắc chắn, khi có vốn, phía nhà thầu là Công ty Hòa Hiệp sẽ tập trung nhân lực hoàn thành trong thời gian ngắn nhất. Lý giải về một số nhà thầu năng lực yếu nhưng vẫn trúng thầu, ông Phú cho rằng, thời điểm tham gia đấu thầu dự án, các nhà thầu này được đánh giá là mạnh, đủ năng lực. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, thời điểm từ năm 2011, một số đơn vị làm ăn thua lỗ nên không còn đủ năng lực để thi công. Việc này sau đó chúng tôi đã xử lý, chuyển khối lượng sang cho đơn vị có năng lực hơn tiếp tục thi công.

Vinh Thành

Các tin khác