Kinh tế xã hội
Giải pháp bảo vệ rừng bền vững
(Congannghean.vn)-Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã và đang được triển khai rộng khắp tại các địa phương có rừng trên cả nước, trong đó có Nghệ An. Từ khi thực hiện đến nay, chính sách này đã phát huy hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý và bảo vệ rừng theo hướng bền vững, đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân, hướng tới nền kinh tế xanh - chìa khóa của sự phát triển bền vững.
Lợi cả đôi đường
Thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020 và chủ trương xã hội hóa nghề rừng, ngày 24/9/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả DVMTR. Theo đó, những cánh rừng được bảo vệ trong lưu vực giúp cải thiện nguồn nước phục vụ các nhà máy thủy điện và cung ứng nước sinh hoạt, phục vụ cảnh quan môi trường sinh thái… sẽ được nhận một khoản tiền nhất định mà bên sử dụng dịch vụ chi trả.
Lực lượng Kiểm lâm cùng quần chúng nhân dân tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: Kế Kiên |
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn với 870 nghìn ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên 739 nghìn ha, chiếm 82%, phân bổ ở nhiều địa bàn. Sau 4 năm thực hiện Nghị định 99 (từ năm 2012 đến hết năm 2015), trên địa bàn tỉnh đã có 15 hợp đồng ủy thác được ký kết giữa đơn vị sử dụng DVMTR với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An; trong đó, 10 hợp đồng với các nhà máy thủy điện và 5 hợp đồng với các nhà máy nước sạch.
Từ khi triển khai thực hiện đến nay, chính sách chi trả DVMTR đã từng bước đi vào cuộc sống, giúp tạo lập nguồn lực tài chính bền vững nhằm cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.
Chính sách này cũng được đánh giá là nguồn “cứu cánh” cho các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, phục vụ đắc lực công tác quản lý và bảo vệ rừng trong điều kiện ngân sách Nhà nước không đủ trang trải.
Tại Nghệ An, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là đơn vị nắm vai trò trung tâm trong việc triển khai chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Hiện, Quỹ đã được giao thực hiện nhiệm vụ tự chủ về tài chính. Điều này đặt ra cho đơn vị nhiệm vụ phải luôn tích cực, chủ động trong việc mở rộng đối tượng khai thác nguồn thu khác đã được Chính phủ cho phép.
Theo đó, các nguồn thu từ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo Nghị định 99/2009/NĐ-CP; từ việc khai thác, kinh doanh gỗ và lâm sản của các chủ rừng, các hoạt động có nguồn thu từ du lịch cảnh quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... đều được sử dụng để chi trả DVMTR. Quá trình triển khai tốt việc làm này sẽ góp phần đảm bảo tính ổn định, lâu dài và mở rộng nguồn thu dùng để chi trả DVMTR, đồng thời tạo ra nguồn tài chính tiềm năng cho ngành lâm nghiệp.
Năm 2015, tổng thu tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh là 69,261 tỉ đồng, tổng chi là 97,8 tỉ đồng (bao gồm cả phần truy thu nợ), đạt mức cao nhất so với các năm trước. Từ 3 chủ rừng, 765 hộ nhận khoán bảo vệ rừng năm 2012, đến năm 2015 tăng lên 6.026 chủ rừng (10 chủ rừng là tổ chức, 5.976 hộ gia đình và 40 UBND xã). |
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách trên, ngày 11/5 vừa qua, Sở NN&PTNT đã ban hành Hướng dẫn số 1087 về trình tự thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong được đánh giá là các huyện “trọng điểm” trong thực hiện chính sách này trên địa bàn tỉnh.
Tại xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (thuộc lưu vực Thủy điện Bản Vẽ), nhận thấy rõ lợi ích thiết thực từ chính sách chi trả DVMTR, nhiều hộ gia đình đã nhận giao khoán bảo vệ rừng, tích cực tham gia tuần tra rừng; nhờ đó, tình trạng chặt phá rừng ngày càng được hạn chế. Năm 2012, số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh là hơn 1.200 vụ nhưng đến năm 2015 giảm xuống còn 695 vụ.
Tại huyện Quế Phong, việc chi trả phí DVMTR để Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt chi trả cho người trông coi, bảo vệ rừng của Công ty Thủy điện Hủa Na đã góp phần duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị. Bởi khi rừng được người dân quan tâm bảo vệ đã giúp sản sinh và duy trì nguồn nước, dẫn tới công suất phát điện ổn định, phục vụ cuộc sống sinh hoạt của nhân dân.
Năm 2015, diện tích cung ứng DVMTR thuộc xã Yên Thắng, huyện Tương Dương là 2.843,58 ha. Việc chi trả tiền DVMTR cho 462 hộ gia đình, cá nhân và 11 nhóm hộ do UBND xã quản lý. Tổng số tiền DVMTR đã giải ngân đến các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bản là 534.674.453 đồng. Nhìn chung, công tác chi trả đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, đúng theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật và kết quả nghiệm thu bảo vệ rừng cung ứng DVMTR đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Gỡ “nút thắt”
Quá trình triển khai thực hiện chính sách trên đã khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả thiết thực của phương châm “lấy rừng nuôi rừng” để nhà máy thủy điện có nước, địa phương giữ được rừng và người dân được hưởng lợi về kinh tế nhờ rừng.
Đơn cử như huyện Kỳ Sơn, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng gắn với quyền lợi của người dân nên trong năm 2015 không để xảy ra cháy rừng, tình trạng khai thác rừng trái phép ồ ạt và không có “điểm nóng” về khai thác lâm sản. Lợi ích từ chính sách chi trả DVMTR rõ ràng là vậy, song trong thời gian qua, việc chậm giải ngân khoản kinh phí này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân bảo vệ rừng.
Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên còn do việc xác định ranh giới, diện tích và hiện trạng rừng của từng chủ rừng, quá trình rà soát việc giao khoán bảo vệ rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chưa có căn cứ để chi trả.
Bên cạnh đó, một số đơn vị sử dụng DVMTR vẫn chưa chấp hành nghiêm các quy định về chi trả DVMTR như trì hoãn ký kết hợp đồng, kê khai không kịp thời, nộp tiền chưa đầy đủ, đúng hạn. Về phía một số chủ rừng là tổ chức cung ứng DVMTR cũng chưa chủ động chi trả hoặc chi trả không kịp thời tiền nhận khoán bảo vệ rừng cho người dân.
Thời gian tới, để phát huy tối đa hiệu quả chính sách chi trả DVMTR, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình chi trả; đồng thời xử phạt nghiêm các trường hợp tự ý trích lập, huy động và sử dụng tiền DVMTR sai mục đích hoặc không đúng với hồ sơ được phê duyệt nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong việc hưởng lợi từ chính sách này, qua đó huy động sức dân trong công tác quản lý và bảo vệ rừng một cách bền vững.
Việc nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quá trình chi trả tiền DVMTR sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ rừng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh.
Hồng Hạnh