Kinh tế xã hội
Động lực để sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững
(Congannghean.vn)-Lâu nay, vấn đề xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đang được các cấp, ngành địa phương quan tâm triển khai thực hiện, bởi thương hiệu sản phẩm quyết định sự sống còn của nền kinh tế tập thể. Quan tâm tới công tác bảo hộ nhãn hiệu tập thể và các vấn đề liên quan sẽ góp phần đưa sản vật, hàng hoá đặc trưng của địa phương, vùng miền vươn xa trên thị trường trong thời gian tới.
Dứa Quỳnh Lưu được ưa chuộng sau khi được công nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể |
Trong những năm qua, Nghệ An đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận, cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho cam Vinh, chè và mới đây là dứa Quỳnh Lưu. Tính đến tháng 5/2016, Nghệ An đã có 12 sản phẩm được cấp bằng bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu trí tuệ, nhãn hiệu chứng nhận. Đây được xem là động thái để góp phần khuyến khích, động viên người nông dân trong vấn đề tích cực đầu tư sản xuất kinh doanh cây trồng.
Mặt khác, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap cũng được triển khai, góp phần đưa sản phẩm hàng hoá sạch của địa phương không ngừng vươn xa. Nhiều mặt hàng như chè, cam Vinh, dứa Quỳnh Lưu… sau khi được công nhận, cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể đã vươn ra xuất khẩu, góp phần tăng tỉ trọng giá trị kinh tế cho người dân.
Qua tìm hiểu thực tế tại những hộ nông dân trồng dứa, chè và cam Vinh được biết, sau khi được công nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể, sản phẩm làm ra đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Bởi nếu như trước kia, sản phẩm làm ra bán buôn theo kiểu manh mún, chộp dật thì đến nay, thương lái đã và đang tập trung bao tiêu nông sản ngay trên chính ruộng đồng của người dân.
Mới đây, tại Hội thảo “Xác lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An: thực trạng và giải pháp” do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 27/7/2016 đã đưa ra nhiều vấn đề về bảo hộ nhãn hiệu tập thể cần giải quyết trong thời gian tới.
Theo đó, hoạt động sở hữu trí tuệ trong thời gian qua trên địa bàn Nghệ An đã được các đại biểu từ Trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm. Bởi trong xu thế hội nhập, việc thúc đẩy công tác bảo hộ nhãn hiệu tập thể sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác này để thương hiệu sản phẩm của vùng miền, ngành nghề có thể đứng vững hơn nữa trên thị trường trong thời gian tới.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thì hiện nay, vấn đề nhận thức về xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hoá đối với doanh nghiệp và địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Mặt khác, sản phẩm đã được xác lập chỉ dẫn địa lý (CDĐL), nhãn hiệu trí tuệ (NHTT) và nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) hiện nay chưa nhiều.
Vì vậy, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, nếu Nghệ An không có chính sách kịp thời để quan tâm tới CDĐL, NHTT và NHCN thì nguy cơ sản phẩm bị đánh bật trên thị trường trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi. Bởi trên thực tế, ở một số tỉnh, thành trong cả nước, các sản phẩm của địa phương như cà phê Buôn Mê Thuột, nước mắm Phan Thiết… đã bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu từ trước.
Cũng tại Hội thảo, đồng chí Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu là những chuyên gia, nhà khoa học. Đồng chí Huỳnh Thanh Điền cũng yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp, ngành, đặc biệt là Sở KH&CN cần tích cực hơn nữa trong việc quan tâm, lựa chọn và hỗ trợ thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, hàng hoá đặc trưng của từng địa phương. Làm được điều đó sẽ góp phần tạo động lực để sản phẩm, hàng hoá đặc trưng của Nghệ An đứng vững và vươn xa trên thị trường trong, ngoài nước.
Đặc biệt, trong quá trình hội nhập sâu rộng vào TPP, các sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể sẽ có thêm cơ hội khẳng định giá trị trên thị trường quốc tế.
Chính vì vậy, vấn đề quan tâm hiện nay đối với các sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là làm sao đạt được tiêu chuẩn sạch, không chứa dư lượng hoá chất theo quy định của VietGap cũng như thị trường quốc tế. Muốn làm được điều đó thì công tác tuyên truyền sâu rộng về nhận thức của người nông dân phải được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Có như vậy, sản phẩm, hàng hoá đặc trưng của địa phương mới có thể đứng vững trên thị trường và không ngừng mở rộng thị phần tiêu dùng.
Ngọc Thái