Kinh tế xã hội

Vì sao giá xăng dầu trong nước và thế giới lệch pha?

08:49, 11/08/2016 (GMT+7)

Vấn đề áp dụng thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu vẫn tiếp tục gây tranh cãi, khi mới đây, Bộ Tài chính vừa có công văn phúc đáp các kiến nghị của Bộ Công Thương về vấn đề này, theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ, trong đó cho rằng đây là cách “hợp lý nhất trong giai đoạn này”. 

Ngược lại, các doanh nghiệp (DN) và Bộ Công Thương lại cho rằng cách tính này chưa đúng với yêu cầu của Nghị định 83 là giá trong nước phải bám sát, tiệm cận và phản ánh xu hướng giá xăng dầu thế giới.

Văn bản của Bộ Tài chính cho biết: Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng về thuế nhập khẩu xăng dầu tại Công văn 184 (ngày 29-4-2016) với 4 điểm kiến nghị chủ yếu liên quan đến cách tính thuế trong giá cơ sở.

Theo đó, các kiến nghị được Bộ Tài chính liệt kê bao gồm: Phương pháp tính thuế bình quân gia quyền chưa phản ánh đúng tinh thần điều hành của Nghị định 83, chưa đúng diễn biến giá thế giới và có thể ngược chiều với giá thế giới. Thứ hai, cách tính này gây dư luận là việc điều hành thiếu tính công khai, minh bạch và số liệu cụ thể để tính toán mức thuế bình quân gia quyền khó theo dõi, giám sát.

Bên cạnh đó, cách tính này cũng chưa giải quyết được hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, người tiêu dùng, các DN sản xuất, kinh doanh xăng dầu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Vấn đề thứ ba là hạn chế việc tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy xăng dầu trong nước, cụ thể ở đây là Dung Quất, khi thuế xăng của nhà máy này cao hơn thuế ưu đãi đặc biệt của xăng nhập từ Hàn Quốc là 10% và thuế dầu diesel cao hơn nhập từ ASEAN là 7%.

Với tất cả những vấn đề trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan sớm có giải pháp xử lý hài hòa sự khác nhau giữa các mức thuế suất theo MFN, theo các FTAs cũng như với cơ chế tài chính, thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ đối với các dự án lọc dầu trong nước.

Tại văn bản trả lời, Bộ Tài chính cho rằng thuế nhập khẩu chỉ là một trong các yếu tố cấu thành giá cơ sở, lại được tính ổn định theo quý (lấy quý trước để tính cho quý sau), nên vẫn “biến động lên xuống theo giá xăng dầu thế giới”.

Bộ Tài chính cũng cho rằng “trong giai đoạn này”, thuế bình quân gia quyền “là hợp lý nhất, giải quyết được hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, người tiêu dùng và các DN sản xuất, kinh doanh xăng dầu; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.

Tuy nhiên, thực tế diễn biến hơi khác so với nhận định của Bộ Tài chính, khi ngay kỳ điều hành đầu tiên của quý II năm nay (tức ngày 5-4, cũng là kỳ điều hành đầu tiên áp thuế bình quân gia quyền của quý mới), giá dầu trong nước đã diễn biến ngược với giá thế giới.

Cụ thể, trong khi giá diesel thế giới giảm 0,4% thì dầu diesel trong nước phải tăng sử dụng quỹ bình ổn từ 983 đồng lên 1.017 đồng/lít mới giữ được nguyên giá bán. Nguyên nhân do thuế bình quân gia quyền đối với dầu diesel quý II cao hơn đến gần 3,9 lần so với quý I (2,32% so với 0,6%).

Hiệp hội Xăng dầu và các đầu mối xăng dầu trong nước cũng tỏ ý không đồng tình với cách tính thuế bình quân gia quyền này. Việc diễn biến của quý trước được phản ánh trong giá quý sau đương nhiên sẽ gây ra độ trễ cho giá bán trong nước, điều mà Nghị định 83 đã phải “sửa sai” cho Nghị định 84, khi rút ngắn kỳ điều hành xuống chỉ còn 15 ngày so với 30 ngày trước kia. Thứ 2 là việc tính thuế bình quân gia quyền tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN, bởi mức nhập khẩu được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt của mỗi DN là khác nhau.

Việc chi phí giá trong từng thời điểm không phản ánh chi phí thực do độ trễ của thuế, và chi phí mỗi DN phải gánh cũng không phản ánh đúng chi phí thực của họ (do tỷ trọng nhập khẩu khác nhau), có khả năng gây ra đe dọa đối với an ninh năng lượng quốc gia.

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác