Kinh tế xã hội

Người lao động bị 'cấm cửa' sang Hàn Quốc

Thực trạng đã được cảnh báo

09:25, 10/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tình trạng lao động làm việc tại Hàn Quốc hết thời gian hợp đồng bỏ trốn ra ngoài không chịu về nước theo quy định đang trở thành vấn đề báo động trên phạm vi cả nước. Các bộ, ngành, địa phương và nước sở tại đã có nhiều cảnh báo về thực trạng này nhưng số người vi phạm hợp đồng vẫn ngày một gia tăng. Ngày 29/7/2016, Bộ LĐTB&XH đã phát đi Công văn số 2843/LĐTBXH-QLLĐNN về việc tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2016 đối với 44 quận, huyện trên địa bàn cả nước, trong đó có Nghệ An.

Việc tạm dừng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc trong năm 2016 sẽ khiến không ít người hụt hẫng - Ảnh minh hoạ
Việc tạm dừng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc trong năm 2016 sẽ khiến không ít người hụt hẫng - Ảnh minh hoạ

Theo công văn này thì Nghệ An sẽ có 11 huyện, thị nằm trong danh sách bị tạm dừng tuyển chọn, đưa người đi lao động tại Hàn Quốc. Với động thái “cấm cửa” việc đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2016 đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới số lượng người dự kiến sẽ xuất cảnh trong thời gian tới.

Theo thống kê, tính từ năm 2005 đến nay, Nghệ An đã đưa được hơn 7.000 lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại Hàn Quốc. Với mức lương cao (từ 20 - 30 triệu đồng/tháng), Hàn Quốc đang là thị trường hấp dẫn để người lao động hướng tới trong thời gian qua.

Theo ghi nhận, hàng năm, các lao động đang làm việc tại Hàn Quốc đã gửi về nước nguồn ngoại tệ rất lớn (đạt khoảng gần 200 triệu USD), góp phần xoá đói, giảm nghèo cho không ít gia đình. Và, cũng theo đánh giá chung thì trong các thị trường xuất khẩu lao động, Hàn Quốc vẫn là quốc gia hấp dẫn về mức lương hàng tháng. Người lao động chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí vài trăm triệu đồng để học và thi tiếng Hàn Quốc cũng như làm các thủ tục cần thiết, sau một thời gian ngắn lao động sẽ tích cóp được tiền gửi về cho gia đình.

Tuy nhiên, có một thực tế trong thời gian qua khiến các cấp, ngành “đau đầu”, đó là tình trạng người lao động làm việc tại Hàn Quốc hết thời gian hợp đồng vẫn không chịu về nước; kéo theo đó nhiều hệ luỵ mà ngay cả cơ quan chức năng của nước sở tại đã nhiều lần phát đi thông báo cảnh báo đối với người lao động nước ngoài hết thời gian hợp động theo quy định.

Công văn số 2843/LĐTBXH-QLLĐNN của Bộ LĐTB&XH thông báo về việc tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2016 đối với 44 quận, huyện thuộc 11 tỉnh, thành trên địa bàn cả nước. Nghệ An có 11 huyện, thành, thị gồm: Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương, Cửa Lò, Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Tân Kỳ và Quỳnh Lưu. Đặc biệt, Nghệ An là tỉnh đứng đầu trong danh sách các địa phương bị ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Dự kiến vào năm 2017, căn cứ vào thông báo của phía nước sở tại về số lượng lao động cư trú bất hợp pháp vào cuối năm 2016, Bộ LĐTB&XH sẽ xem xét dỡ bỏ việc tạm dừng chương trình EPS đối với những địa phương giảm tỉ lệ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Đã có không ít vụ việc người lao động trốn ra ngoài, làm việc chui lủi bị nhà chức trách Hàn Quốc bắt giữ, đẩy đuổi. Bên cạnh đó, tai nạn, bảo hộ lao động cho người lao động làm việc “chui” không có đã dẫn đến những rủi ro khó có thể lường trước được. Thực tế, trong thời gian qua đã có không ít trường hợp lao động tự do là người Việt Nam tại Hàn Quốc bị tai nạn tử vong ở nước sở tại gặp rất nhiều khó khăn khi làm thủ tục đưa thi thể về quê.

Trước tình trạng người lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc với số lượng lớn (khoảng 9.000 người), Bộ LĐTB&XH đã có nhiều văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cảnh báo về vấn đề này.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với thân nhân có người nhà làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc vận động người thân về nước. Thế nhưng, vì mức thu nhập hấp dẫn, nhiều lao động sau khi hết hợp đồng vẫn cố tình chây ì. Riêng tỉnh Nghệ An, theo thống kê, hiện nay có khoảng gần 1.500 người làm việc chui lủi tại Hàn Quốc và cũng là địa phương đứng đầu về tình trạng này.

Theo ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH thì, trước khi Bộ LĐTB&XH phát đi Công văn số 2843/LĐTBXH-QLLĐNN, các cấp, ngành, đoàn thể của tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều hội nghị lồng ghép tuyên truyền về việc vận động người lao động hết thời gian hợp đồng về nước. Bởi, đến hết tháng 4 vừa qua, Hiệp định lao động giữa Hàn Quốc và Việt Nam sẽ hết hiệu lực.

Phía Hàn Quốc cũng xem xét tiến tới một bản ghi nhớ về việc bình thường hoá hợp tác lao động giữa 2 nước. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng đặt ra yêu cầu là Việt Nam phải đạt tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại nước sở tại dưới 30%. Nhìn một cách tổng quát, để đạt được con số này với thực tế hiện nay là rất khó, bởi số lượng người lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm việc đang ở mức báo động.

Theo các cơ quan chức năng, để xảy ra tình trạng nói trên có rất nhiều nguyên nhân, nhưng ý thức người lao động vẫn là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Nếu người lao động chấp hành tốt các quy định ghi rõ trong hợp đồng trước khi xuất cảnh sang Hàn Quốc thì sự việc sẽ không phức tạp như bây giờ. Và, hàng nghìn người đã có đầy đủ điều kiện để làm thủ tục sang Hàn Quốc làm việc sẽ không bị “hụt hẫng” nếu như số người đi trước về nước đúng thời hạn. Chính vì vậy, để tránh tình trạng trên, thời gian tới, các cơ quan chức năng trực tiếp tuyển dụng, đưa người sang Hàn Quốc làm việc cần nghiên cứu, ban hành các điều khoản ràng buộc chặt chẽ hơn nữa.

Ngọc Thái

Các tin khác