Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201603/he-luy-tu-lo-hong-xuat-khau-lao-dong-669971/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201603/he-luy-tu-lo-hong-xuat-khau-lao-dong-669971/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hệ lụy từ 'lỗ hổng' xuất khẩu lao động - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 31/03/2016, 11:03 [GMT+7]

Hệ lụy từ 'lỗ hổng' xuất khẩu lao động

Kỳ I: "Vỡ mộng" giấc mơ xuất ngoại làm giàu

(Congannghean.vn)-Hiện nay, một số công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) chui mặc dù đã bị rút giấy phép nhưng vẫn lén lút đưa người đi làm việc ở nước ngoài hoặc người lao động tự ý vượt biên trái phép để tìm kiếm cơ hội đổi đời… là những kẽ hở trong XKLĐ hiện nay. Hệ lụy từ thực tế trên do người lao động gánh chịu: Người thì bị bắt giữ nơi trời Âu, kẻ phải bỏ mạng nơi xứ người, những người khác may mắn hơn giữ lại được mạng sống thì bị cảnh sát sở tại bắt giữ, trục xuất hoặc đưa vào các trại tị nạn. Theo đó, giấc mộng làm giàu nơi xa xứ cũng sụp đổ.

Vay mượn, gom góp tiền để đi XKLĐ với niềm tin, công việc ở xứ người sẽ mang lại thu nhập cao và làm giàu nhanh chóng, thế nhưng, phận làm thuê của người Việt ở năm châu lại rất bi đát. Có người rơi vào tay cướp biển, kẻ lại tử nạn vì bệnh lý hoặc tai nạn lao động khiến giấc mơ làm giàu từ xuất ngoại càng trở nên mịt mờ, xa xăm.

Vợ và con khóc ngất khi anh Đặng Văn Xuân trú tại xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn bỏ mạng tại Nga vào ngày 28/12/2015 vì ngạt khí gas
Vợ và con khóc ngất khi anh Đặng Văn Xuân trú tại xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn bỏ mạng tại Nga vào ngày 28/12/2015 vì ngạt khí gas

1.500 ngày ngóng con từ Somalia

Do cuộc sống khó khăn nên đầu năm 2011, anh Phan Xuân Phương (SN 1989) trú tại xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn đã vay thế chấp ngân hàng để có số tiền 25 triệu đồng đóng cho Trung tâm XKLĐ Vinamotor, trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam, địa chỉ tại 609 đường Trương Định, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội để XKLĐ sang Đài Loan.

Cùng đi với anh Phương còn có 2 người khác là các anh: Nguyễn Văn Xuân (SN 1981) và Nguyễn Văn Hạ (SN 1981) cùng trú tại TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Cả 3 người xuất cảnh vào ngày 5/4/2011.

Tại Đài Loan, 3 anh này được bố trí làm việc trên tàu đánh cá Na Ham 3 của chủ tàu người Đài Loan, lênh đênh trên biển được 11 tháng thì bị cướp biển Somalia bắt và đòi tiền chuộc. Theo đó, có 26 thủy thủ bị bắt, trong đó có 3 người Việt Nam.

Đầu tháng 5/2012, Trung tâm XKLĐ Vinamotor gửi công văn cho các cơ quan liên quan và gia đình thuyền viên thông báo: “Tàu Na Ham 3 bị cướp biển Somalia bắt giữ vào khoảng giữa tháng 4/2012. Hiện nay, phía chủ tàu đang tập trung toàn lực để giải cứu các thuyền viên và đảm bảo an toàn tính mạng cho họ. Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật vấn đề này, khi có thông tin, chúng tôi tiếp tục thông báo”.

Ông Phan Xuân Linh (SN 1945), bố đẻ anh Phương kể lại: Cuối tháng 4/2012, trước khi nhận được thông báo nói trên từ phía Trung tâm XKLĐ Vinamotor, gia đình đã nhận được điện thoại của anh Phương gọi về, cho biết đã bị cướp biển Somalia bắt giữ và đòi tiền chuộc lên tới 60.000 USD. Đó cũng là lần duy nhất anh Phương liên lạc được với gia đình. Từ đó đến nay, hơn 4 năm trời trôi qua, gia đình ông Linh đã tìm đủ mọi cách, kêu cứu khắp nơi nhưng vẫn chưa thể giải cứu cho con.

Cũng theo ông Linh, sau khi biết tin con bị cướp biển bắt giữ, vợ chồng ông đã rất nhiều lần vay mượn tiền bạc, ra Hà Nội tìm đến Công ty XKLĐ Vinamotor, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cục Quản lý lao động ngoài nước để gửi đơn cầu cứu con nhưng vẫn không có kết quả.

“Sau khi nghe tin con trai bị cướp biển Somalia bắt, vợ tôi đã ngã quỵ rồi bị tai biến, nằm liệt giường mấy năm nay. Chúng tôi chỉ mong sao các cơ quan chức năng phối hợp với công ty nước ngoài chuộc được con tôi để trở về đoàn viên. Cuộc sống khó khăn, vất vả, rau cháo nuôi nhau cũng chịu được, miễn là cha con, vợ chồng gần nhau chứ không tính chuyện XKLĐ nữa”, ông Linh buồn bã cho biết.

Thảm cảnh của gia đình anh Phan Xuân Phương cũng là nỗi khổ của gia đình 2 anh Nguyễn Văn Hạ và Nguyễn Văn Xuân khi họ đều là nạn nhân của cướp biển Somalia trong suốt 1.500 ngày vừa qua.

Trao đổi qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Lan Hương, phụ trách Phòng Thuyền viên và thị trường của Trung tâm XKLĐ Vinamotor được biết, sự việc 3 thuyền viên người Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt cách đây 4 năm là có thật. Tuy nhiên, đến nay phía Trung tâm vẫn chưa có thông tin gì về họ. Phía chủ tàu đang thuê một công ty luật ở Hồng Kông tiến hành đàm phán với cướp biển để giải cứu các thuyền viên.

Anh Phan Xuân Phương (số 2) bị cướp biển Somalia bắt giữ đã hơn 4 năm nay nhưng chưa được giải cứu
Anh Phan Xuân Phương (số 2) bị cướp biển Somalia bắt giữ đã hơn 4 năm nay nhưng chưa được giải cứu

Bỏ mạng nơi xứ người

Trong những năm gần đây, để mưu sinh, nhiều người đã tìm đến các công ty XKLĐ hoặc tự ý xuất ngoại theo đường tiểu ngạch để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Trong khoảng vài năm trở lại đây, Angola được xem là thị trường lao động “béo bở” đối với lao động tự do ở các tỉnh miền Trung do chi phí XKLĐ rẻ và thủ tục dễ dàng, đơn giản. Tuy nhiên, điều kiện làm việc ở xứ người lại rất tồi tệ, khiến nhiều lao động phải bỏ mạng.

Tại Angola có khá nhiều người Việt đi qua các đường dây XKLĐ chui với lời hứa hẹn thu nhập cao, công việc chủ yếu là xây dựng và có nhiều việc làm mà không biết về quyền lợi, bảo hiểm, điều kiện hợp đồng khi đến đây nên nhiều trường hợp “dở khóc dở cười”.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 3/2013 đến nay, đã có 30 người lao động, chủ yếu quê tại Nghệ An và Hà Tĩnh bỏ mạng tại Angola do bị sốt rét ác tính và tai nạn lao động hoặc bị đánh chết, bị bọn cướp sát hại. Điều cay đắng hơn là, để đưa được thi thể con mình về quê, gia đình nạn nhân đã phải bỏ ra hàng chục nghìn USD, bởi đây là thị trường lao động chưa được Chính phủ ký hiệp định hợp tác về phái cử lao động.

Liên quan đến hệ lụy từ XKLĐ, mới đây nhất có thể kể đến trường hợp của chị Nguyễn Thị Hương (SN 1995) trú tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn. Sau khi ly thân chồng, do không có công việc ổn định, chị đã gửi lại đứa con 18 tháng tuổi để theo một số người vượt biên qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc lao động chui.

Ngày 26/1/2016, chị Hương đặt chân đến thị trấn Am Phụ, Khu Kiều Đông, TP Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Đến ngày 31/1, chị bị côn đồ dùng dao đâm vào bụng. Mặc dù đã được Công an sở tại đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên chị đã qua đời vào ngày 2/2. Sau khi nhận được hung tin, gia đình chị Hương đã nhờ các ngành chức năng hướng dẫn các thủ tục thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để đưa thi thể chị Hương về nước.

Đến ngày 21/3 vừa qua, thi thể nạn nhân đã được đưa về quê nhà để an táng theo phong tục địa phương. Trước đó không lâu, vào ngày 6/3, anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1991) trú tại xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu cũng đã gục chết bất thường sau 2 năm XKLĐ tại Đài Loan.

Lý do của việc ngày càng có nhiều lao động tử vong ở nước ngoài, theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, số lao động này chủ yếu rơi vào nhóm xuất cảnh trái phép. Do vậy, tại xứ người, họ phải tự tìm kiếm việc làm, dẫn đến nguy cơ bị bóc lột sức lao động và không được bảo vệ quyền lợi. Thậm chí, khi bị ốm đau, bệnh tật cũng không được chăm sóc sức khỏe và phải sống trong sợ hãi.
            (Còn nữa)

.

Thiên Thảo

.