Kinh tế xã hội

Kịp thời chấn chỉnh hoạt động du lịch

08:47, 15/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Tuy đã xảy ra cách đây gần nửa tháng nhưng sự vụ tại khách sạn Thái Bình Dương, TX Cửa Lò vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Một phần vì “thương hiệu TX biển Cửa Lò” đã dần dần hình thành trong tâm thức của du khách gần xa, phần khác bởi “sự nhùng nhằng” trong giải quyết vấn đề giữa các bên liên quan.

Sự việc bắt đầu từ ngày 6/7, khi hơn 90 khách sau khi trả phòng nghỉ tại khách sạn Thái Bình Dương để ra xe về thì bất ngờ bị nhân viên khách sạn “giữ xe” vì không dùng bữa đúng như hợp đồng.

Hoạt động chèo kéo, mời chào khách tại TX Cửa Lò trong nhiều năm qua đang từng bước được chấn chỉnh
Hoạt động chèo kéo, mời chào khách tại TX Cửa Lò trong nhiều năm qua đang từng bước được chấn chỉnh

Theo kết quả nội dung làm việc giữa các cơ quan chức năng, bước đầu có thể khẳng định, khách sạn Thái Bình Dương đã có giao kết và thỏa thuận qua email, điện thoại với Công ty TNHH TM&DV Thái Bình Xanh về các nội dung ăn, nghỉ của các đoàn khách tại khách sạn nhưng chưa chặt chẽ về việc sử dụng 3 bữa ăn tại khách sạn. Trong khi đó, về Công ty Thái Bình Xanh chưa thực hiện đúng theo cam kết trong hợp đồng đã ký kết.

Còn phía hướng dẫn viên lại cho rằng, bữa ăn tại khách sạn Thái Bình Dương chưa đảm bảo chất lượng nhưng vẫn chưa đưa ra được các cơ sở thuyết phục. Hướng dẫn viên Đặng Viết Quang, cũng là đại diện Công ty Thái Bình Xanh nhưng không mang theo hợp đồng du lịch, chương trình và hợp đồng hướng dẫn viên là không đúng theo quy định.

Sau đó, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An đã có công văn mời Công ty Thái Bình Xanh hẹn thời gian gặp mặt để giải quyết thấu đáo vụ việc. Tuy nhiên, trong buổi gặp mặt giữa các bên liên quan, do thiếu đại diện lãnh đạo phía Công ty Thái Bình Xanh nên vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung”.

“Sự cố” tại khách sạn Thái Bình Dương cho thấy những “kẽ hở” trong hoạt động của các đơn vị, công ty tổ chức du lịch, lữ hành trên địa bàn. Đến thời điểm hiện nay, theo danh sách quản lý và thống kê của Sở VH-TT&DL, có 41 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành (16 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế, 25 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa).

Tuy nhiên, trên thực tế, một số ít doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành lại không báo cáo với lực lượng chức năng nên không có trong danh sách quản lý của Sở (tập trung chủ yếu là lữ hành nội địa). Trong khi đó, những bất cập trong quy định pháp luật hiện nay đối với lữ hành nội địa (không bắt buộc phải ký quỹ) tạo “cơ hội” cho hàng loạt doanh nghiệp lữ hành ra đời.

Các đơn vị lữ hành nhỏ lẻ, hoạt động theo mùa vụ (thường là mùa hè), không có văn phòng cố định hoặc không có văn phòng, không có đội ngũ nhân viên; các đơn vị này thường chỉ có 1 - 2 người, vừa làm quản lý, vừa làm nhân viên thị trường... là đặc điểm chung của các doanh nghiệp lữ hành nội địa. Khi có khách ký hợp đồng đi tham quan thì thuê xe, nếu cần hướng dẫn viên thì lại “mượn” doanh nghiệp khác dưới hình thức “hoạt động chui”. Tình trạng trên đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý của lực lượng chức năng.

Có những trường hợp, khi có thông tin về tình trạng các đơn vị kinh doanh lữ hành có dấu hiệu như trên, lực lượng Thanh tra tiến hành kiểm tra thì đến nơi, văn phòng không tồn tại, số điện thoại không còn sử dụng nữa. Mặt khác, việc cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động lữ hành nội địa  như hạ giá, quảng cáo không trung thực… dẫn đến chất lượng dịch vụ không đảm bảo theo hợp đồng đã ký với khách hàng.

Riêng trong năm 2016, Thanh tra Sở VH-TT&DL đã phối hợp với Phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh Nghệ An tiến hành 6 cuộc thanh tra chuyên ngành về hoạt động kinh doanh lữ hành, xử phạt 3 triệu đồng (tính đến 30/6/2016). Các lỗi thường gặp như: Không thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh lữ hành cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp chính thức hoạt động kinh doanh; thực hiện không đúng chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định... Trong khi đó, khi có sự cố bất ngờ xảy ra, các công ty lại đóng trên địa bàn khác gây khó khăn trong việc phối hợp giải quyết.

Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên, cũng giống nhiều địa phương khác trên toàn quốc, các hoạt động lữ hành du lịch của các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Những “kẽ hở” này trên thực tế cần được kịp thời xử lý để từng bước góp phần đảm bảo an toàn, an ninh cho lữ hành du lịch, vừa tạo thuận lợi cho du khách mỗi lần hành hương về quê Bác, đồng thời xây dựng thương hiệu du lịch xứ Nghệ đối với du khách gần xa.

Mai Hậu

Các tin khác