Kinh tế xã hội
Tận thu cây dược liệu: Cần sớm có chế tài ngăn chặn, xử lý
(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, việc thương lái ồ ạt thu mua cây dược liệu đang trở thành vấn đề “nóng” ở các huyện miền Tây xứ Nghệ. Mặc dù hệ luỵ của tình trạng này đã được cảnh báo nhưng vì lợi nhuận trước mắt, người dân vẫn vô tư vào rừng khai thác, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hệ sinh thái tự nhiên.
Rừng xanh “chảy máu” dược liệu
Những ngày trung tuần tháng 5, có mặt tại các xã Châu Hoàn, Diên Lãm, Châu Phong… của huyện Quỳ Châu, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân tấp nập gùi những chuyến hàng là cây dược liệu.
Thương lái thu mua cây Ba Chạc ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An |
Từ đỉnh dốc Pù Sen vào tới tận địa điểm giáp ranh của vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, cây Ba Chạc (còn gọi là cây chè đắng, cây dầu dầu) được tập kết rải rác dọc theo 2 bên đường liên xã. Được biết, người dân nơi đây đã vào rừng đốn hạ loài cây này từ nhiều ngày trước để thu gom bán cho thương lái.
Qua tìm hiểu được biết, các thương lái dưới xuôi lên đây từ nhiều tháng trước để đặt mua loài cây Ba Chạc với số lượng không giới hạn. Thậm chí, họ còn tạo ra nhiều đại lý là người dân bản địa để thu gom, sau đó bán cho thương lái Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.
Trong những năm gần đầy, trên địa bàn các huyện miền tây xứ Nghệ, không chỉ có cây Ba Chạc mà các loại dược liệu như Sa Nhân, lá Chua Ke, Tuyết Nhung… cũng bị tận thu một cách vô tội vạ.
Điều đáng nói, các loại cây này có giá thu mua rẻ mạt nhưng vì lợi nhuận trước mắt và lợi dụng cơ chế hiện hành, người dân đã vào rừng triệt hạ để bán cho các thương lái. Tình trạng tận thu cây dược liệu ồ ạt đã làm cho nhiều cánh rừng đứng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng.
Cần có chế tài ngăn chặn kịp thời
Qua trao đổi với các chủ rừng cũng như Hạt Kiểm lâm và lãnh đạo các huyện miền núi như Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông… được biết, hiện nay chưa có chế tài xử lý, xử phạt nghiêm minh tình trạng nói trên. Vấn đề xử lý, xử phạt chưa thể thống nhất bằng văn bản quy phạm pháp luật. Chính vì vậy, việc người dân và thương lái vào địa bàn thu mua cây dược liệu đang đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm soát, xử lý.
Ông Ngô Đức Thuận, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Việc người dân tận thu cây dược liệu trên địa bàn đã xảy ra trong những năm gần đây. Đối với cây Ba Chạc là loại cây lâm sản, huyện giao cho Hạt Kiểm lâm phải có giải pháp kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.
Mặt khác, huyện cũng đã chỉ đạo các xã hạn chế tình trạng người dân ồ ạt vào rừng chặt hạ các loại cây dược liệu. Trước mắt sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân không vào rừng chặt hạ, tận thu các loại cây dược liệu một cách bừa bãi để bán cho thương lái.
Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng trên, hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, bởi hầu hết trong các văn bản quy định xử phạt hành chính trong quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản thì danh mục lâm sản phụ không có chế tài xử lý.
Trao đổi với ông Hoàng Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp tỉnh được biết, việc ngăn chặn tình trạng người dân vào rừng khai thác lâm sản phụ, trong đó có các loại cây dược liệu đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
“Để ngăn chặn tình trạng nói trên cần phải có chế tài xử lý đủ mạnh. Tuy nhiên, rà soát qua các văn bản quy định trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng thì việc xử phạt hành vi khai thác cây dược liệu nằm trong danh mục lâm sản phụ chưa được thực hiện. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành quy định xử lý”, ông Việt cho biết thêm.
Ngọc Thái