Kinh tế xã hội

Dịch vụ truyền hình trả tiền: Cuộc đua khốc liệt

10:57, 12/06/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nắm bắt được thị hiếu của người dân, trong khoảng vài năm trở lại đây, thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng hoạt động hết sức sôi động. Hàng loạt dịch vụ truyền hình ra đời, cùng với đó là những gói cước “mềm”, dịch vụ chăm sóc khách hàng hoàn hảo, khiến cuộc đua về chất lượng của dịch vụ này ngày càng khốc liệt.

Nhiều “ông lớn” viễn thông lấn sân truyền hình

Theo số liệu thống kê về thị phần truyền hình của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, vào năm 2010, “ông lớn” của truyền hình trả tiền là truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) gần như độc chiếm thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam, với 46% thị phần, trong khi các dịch vụ khác chỉ chiếm 26%.

Với sự phát triển đa dạng của truyền hình trả tiền như hiện nay, khách hàng sẽ có thêm nhiều lựa chọn - Ảnh minh họa
Với sự phát triển đa dạng của truyền hình trả tiền như hiện nay, khách hàng sẽ có thêm nhiều lựa chọn - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đến nay, vì suy giảm chất lượng tín hiệu, dịch vụ nên VTVcab đã bị đánh bật khỏi những nhà mạng đang có ưu thế vượt trội. Trong đó, một số nhà mạng cung cấp dịch vụ truyền hình mới nổi như FPT (FPT Telecom), MyTV (VNPT), NexTV (Viettel)... đang là sự lựa chọn của số đông khách hàng hiện nay.

Theo thống kê, ngoài các nhà mạng nói trên, hiện trên địa bàn Nghệ An đang có các dịch vụ truyền hình trả tiền của các nhà mạng như VTC (Công ty Truyền thông đa phương tiện), K+ (Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam), Truyền hình cáp SCTV, Truyền hình An Viên (Công ty CP AVG) và Truyền hình Mobifone.

Ngoài ra, đối thủ duy nhất đến từ nước ngoài là Canal+ (Hãng truyền hình đến từ Pháp đã hợp tác với VTV cho ra đời kênh K+) hiện cũng đã có chỗ đứng nhất định tại Nghệ An khi liên tiếp giành được thế độc quyền trong việc mua bản quyền và truyền hình trực tiếp tất cả các trận đấu của giải bóng đá ngoại hạng Anh.

Để thu hút khách hàng, các nhà mạng đã đua nhau giảm thiết bị, đầu vào và tăng chất lượng các gói dịch vụ, miễn phí, đặc biệt là các gói giải trí, thể thao và truyền hình dành cho trẻ em.

Đặc biệt, những nhà mạng mới “lấn sân” truyền hình, nhiều dịch vụ tích hợp đã được triển khai, trong đó đặc biệt là tích hợp 2 - 3 dịch vụ trên một đường truyền, giúp người xem dễ dàng lựa chọn và khai thác cả gói của “đối tác” ngay trên thị phần của mình một cách hợp pháp.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo khảo sát mới đây nhất, hiện tại, gói truyền hình cáp quang (IPTV) là dịch vụ được người xem ưa chuộng nhất và các nhà mạng cũng đang chạy đua để phát triển thị phần ở lĩnh vực này.

Điều đáng nói, hiện tại, 4 nhà mạng đang cung cấp dịch vụ này đều là những cái tên rất mới trong dịch vụ truyền hình trả tiền, bao gồm VNPT (MyTV), Viettel (NextTV), FPT (Truyền hình FPT) và SCTV, trong đó MyTV của VNPT chiếm khoảng 70% thị phần truyền hình IPTV và khoảng 30% thị phần truyền hình trả tiền.

Trong khi đó, dù mới “chân ướt chân ráo” gia nhập, song FPT đang dần chiếm được cảm tình của người xem với tỉ lệ thị phần ngày càng tăng trên địa bàn TP Vinh. Đại diện kinh doanh của FPT cho biết, FPT Telecom đặc biệt quan tâm đến chất lượng cung cấp dịch vụ cho khách hàng, không ngừng nâng cao chất lượng mạng lưới, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ thoại, Internet, truyền hình trên cùng một đường dây cáp quang.

Đơn cử, dịch vụ thể thao của truyền hình FPT, tại các giải đấu quốc nội cũng như giải vô địch các quốc gia khác trên thế giới hiện nay như Premier League (ngoại hạng Anh), La Liga (Tây Ban Nha), Bundesliga (Đức)..., FPT truyền hình tất cả các trận đấu, với chất lượng chuẩn HD, giúp khách hàng là tín đồ của làng túc cầu có sự lựa chọn tốt nhất cho trận đấu mà mình muốn xem.    

Với đường truyền cáp quang phủ khắp như hiện nay, các nhà mạng không còn bận tâm đến chất lượng đường truyền, chất lượng hình ảnh mà chú trọng đến các dịch vụ tích hợp đa chức năng và các loại hình dịch vụ tương tác.

Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đa phương tiện hiện nay đều dùng nhiều ứng dụng đa năng bên cạnh các kênh truyền hình có độ nét cao như cho phép khách hàng truy cập trực tuyến để đọc tin tức, truyền hình xem lại sau 120 giờ, kết nối với các ứng dụng nhạc số, YouTube ngay trên tivi. Thậm chí, một số dịch vụ khác cũng đang được tính tới như nhận biết giọng nói, điều khiển tivi bằng cử chỉ…

Ngoài ra, việc tăng kênh cũng đang là cuộc đua âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt giữa các nhà đài. Khác với truyền hình analog (sử dụng ăng - ten) bị hạn chế về tần số nên không thể tăng số kênh, truyền hình kỹ thuật số có lợi thế về khả năng truyền đa kênh trên một tần số, do vậy nhiều nhà cung cấp tìm cách thu hút khách bằng việc tự sản xuất và mua các kênh bản quyền.

Dẫn đầu trong việc nắm số lượng kênh nhiều nhất là VTC với 100 kênh, SCTV đứng sau với 97 kênh và K+ 80 kênh. Tuy nhiên, ranh giới giữa tăng kênh với cuộc cạnh tranh này làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan như vi phạm bản quyền các chương trình, thậm chí “đầu cơ” kênh truyền hình... là rất mong manh và khó kiểm soát.

Sự phát triển đa dạng của các loại dịch vụ truyền hình trả tiền hiện nay đã tạo sự cạnh tranh sòng phẳng, giúp khách hàng có sự lựa chọn tốt nhất, thậm chí là thử nghiệm trước khi chọn một nhà mạng chính thức. Với phí dịch vụ trên dưới 150.000 đồng/tháng, số tiền này được cho là hợp lý đối với mức thu nhập và mức độ thỏa mãn về dịch vụ.

Tuy nhiên, bất cập của loại hình truyền hình trả tiền hiện nay là khách hàng vẫn đang phải bỏ tiền túi để xem quảng cáo bất đắc dĩ. Bởi về nguyên tắc, truyền hình quảng bá có nguồn thu chính từ quảng cáo, trong khi truyền hình trả tiền dựa vào phí thuê bao và cung cấp những kênh truyền hình không có quảng cáo. Thực tế, người Việt vẫn đang phải xem những kênh chen đầy quảng cáo, dù đó là truyền hình trả tiền.

Ngoài ra, truyền hình trả tiền Việt Nam còn xuất hiện những vụ tranh chấp bản quyền, dai dẳng là tranh chấp giữa HCTV (truyền hình cáp Đài PT-TH Hà Nội) với K+ về gói cước Super Sunday trong việc phát các trận đấu của giải ngoại hạng Anh vào tối chủ nhật hàng tuần.

Thiên Thảo

Các tin khác