Kinh tế xã hội
Khởi nghiệp tại Nghệ An: Những 'nút thắt' chưa được tháo
(Congannghean.vn)-Với mục tiêu tạo sân chơi mới cho sinh viên và tạo cơ hội cho các bạn trẻ trải nghiệm những ý tưởng kinh doanh trong thực tế, tháng 9/2010, CLB Khởi nghiệp Nghệ An (đặt tại Trường ĐH Vinh) thành lập, được bảo trợ bởi Chương trình Khởi nghiệp do VCCI khởi xướng và chủ trì.
Chưa đầy 3 năm hoạt động, CLB Khởi nghiệp Nghệ An đã có nhiều sáng kiến, hoạt động thu hút sinh viên tham gia, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp, chuyên gia và sinh viên. Tuy nhiên, cho đến nay, vì nhiều nguyên nhân, CLB này nói riêng và phong trào khởi nghiệp tại Nghệ An nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nhân rộng và phát triển điển hình tiên tiến, tiêu biểu; chưa tạo thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong giới trẻ.
Hoạt động khởi nghiệp bắt đầu bằng những ý tưởng kinh doanh nhỏ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thị trường (Trong ảnh: Mô hình trồng nấm sạch tại phường Bến Thủy, TP Vinh) |
Với kinh nghiệm tư vấn, giảng dạy hàng nghìn buổi tại 64 tỉnh, thành trong cả nước, ông Nguyễn Duy Tuấn, cố vấn cao cấp VCCI tại Nghệ An, giảng viên Tổ chức Lao động quốc tế ILO bày tỏ sự trăn trở trước các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn Nghệ An.
Là một trong những người tham gia khởi xướng phong trào khởi nghiệp tại Trường ĐH Vinh và cùng các cộng sự phát hiện, tư vấn các dự án khởi nghiệp, ông hiểu rõ mong muốn, khát khao tạo dựng, phát triển hoạt động kinh doanh của các bạn trẻ. Thời gian đầu, để tạo nguồn nhân lực, CLB đã lấy những sinh viên xuất sắc năm cuối tại các khoa để sinh hoạt, phát triển.
Với hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, lại được tư vấn nên một số sinh viên đã phát huy được sở trường, “hiện thực hóa” đam mê kinh doanh của bản thân. Tuy nhiên, sau một thời gian, vì thiếu kinh phí, những nhân tố điển hình của CLB cũng tốt nghiệp khiến việc triển khai hoạt động gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo ông Tuấn, hoạt động khởi nghiệp bắt đầu nhen nhóm và du nhập vào Việt Nam từ năm 1998. Tại các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore..., vì hoạt động bài bản nên khởi nghiệp đã tạo thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, dù được Tổ chức Lao động quốc tế hỗ trợ và tư vấn nhưng những dự án của các bạn trẻ vẫn chưa tạo được dấu ấn và huy động nguồn hỗ trợ của các tổ chức tài chính, kinh tế đang hoạt động rải rác khắp cả nước. Khi đề cập đến những khó khăn trong triển khai hoạt động khởi nghiệp, mọi người thường nhắc đến cụm từ “thiếu vốn”, “không có nguồn hỗ trợ”.
Trong khi trên thực tế, nếu ý tưởng tốt, việc tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ là hoàn toàn khả quan và có khả năng triển khai hiệu quả.
Nhận thức, tư duy về khởi nghiệp còn hạn chế cũng là khó khăn chung khi triển khai các hoạt động kinh doanh trong thực tế. Tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước hiện vẫn còn rất phổ biến trong các bạn trẻ.
Khởi nghiệp chỉ có hiệu quả khi mỗi người tự ý thức tâm thế phải kinh doanh, làm giàu và không ngại thay đổi. Ý thức “lập thân lập nghiệp” chưa được hun đúc, tạo thành động lực để triển khai thành hành động, hành vi. Lúc này, những vườn ươm doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cầu nối, nơi thiết lập ý tưởng và tạo động lực cho các bạn trẻ.
Bên cạnh đó, khởi nghiệp muốn có chiều sâu và duy trì lâu dài cần gắn liền với những ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, trên thực tế, tâm lý “ngại sáng kiến”, “ngại nghiên cứu, ứng dụng” tiến bộ khoa học vẫn còn phổ biến trong giới trẻ. Chỉ một số ít sinh viên có quá trình học tập, nghiên cứu gắn với kỹ thuật mới chịu khó đầu tư và áp dụng vào thực tế.
Trung tâm Đào tạo Khởi nghiệp của Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nghệ An được thành lập vào tháng 12/2015. Ông Nguyễn Đức Tiến, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đã phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế ILO đào tạo 1 khóa và 1 lớp tập huấn cho các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn mới thành lập hoặc đang có ý định chuẩn bị thành lập.
Hiện nay, trên thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An hầu hết đều ít vốn và hoạt động còn manh mún. Những hiểu biết về hoạt động khởi nghiệp, ý tưởng kinh doanh và pháp luật vẫn còn rất hạn chế. Trung tâm hiện đang vươn tới việc không chỉ tư vấn mà còn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án.
Trong thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An có rất nhiều cá nhân đã mạnh dạn bứt phá, đầu tư và trở thành những doanh nhân thành đạt, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển KT - XH của tỉnh nhà. “Với kinh nghiệm trong những năm giảng dạy, lời khuyên mà tôi muốn hướng đến những người muốn khởi nghiệp là hãy thay đổi quan điểm ỷ lại, muốn một sự ổn định “nửa vời”.
Con đường kinh doanh chẳng phải là hoa hồng, có thất bại, có cay đắng, tủi hờn. Hãy bắt đầu từ những ý tưởng kinh doanh nhỏ, làm dần dần, từ từ, nghiên cứu kỹ thị trường và tiềm năng của bản thân. Việc học hỏi kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong hình thành, duy trì và phát triển ý tưởng kinh doanh hiệu quả”, ông Nguyễn Duy Tuấn chia sẻ kinh nghiệm với những bạn trẻ đang nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp.
Hiện nay, Chính phủ đã xây dựng hành lang pháp lý và những ưu đãi cho khởi nghiệp phát triển. Dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư cho các dự án liên quan đến ươm tạo công nghệ cao, đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao, ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư của Nhà nước. Theo các chuyên gia, kể từ sau bong bóng dotcom, cơn sốt khởi nghiệp đang bùng nổ trên thế giới, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh nhất khu vực, có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư mạo hiểm lớn chưa từng có. Riêng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước đã nhận được hàng triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. |
Mai Hậu