Kinh tế xã hội
Kinh doanh rau an toàn: Chưa hẳn đã sạch!
(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, người tiêu dùng hết sức quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Ngoài việc sử dụng chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất rau, phun hóa chất để trừ sâu bệnh thì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong đất tích lũy qua từng năm cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
Gần đây, Bộ NN&PTNT đã chính thức công bố các điểm bán hàng nông sản an toàn gắn với địa chỉ của nhà cung cấp. Động thái này đã phần nào giúp người dân yên tâm hơn khi sử dụng rau được bán tại các điểm nói trên. Thế nhưng, sản phẩm được công nhận sạch khi chỉ cần được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận trong khi thông tin về quy trình sản xuất, chế biến của những cơ sở này lại “mù tịt”, khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.
Tiến hành kiểm tra, lấy mẫu rau tại Công ty Tâm Nguyên 1 |
Tại Nghệ An, hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Tâm Nguyên 1 (có 2 cơ sở trên địa bàn TP Vinh). Đây là điểm bán hàng thực hiện mô hình đầu tư sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn theo hướng xây dựng chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Tại cơ sở 1, cũng là nơi Công ty (địa chỉ 19 B2A4 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Vinh) đóng chân, đoàn thanh tra liên ngành phát hiện cửa hàng kinh doanh một số hàng hóa không có nhãn hàng theo quy định; không có thiết bị chuyên dụng để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm… Kiểm tra giấy phép kinh doanh của Công ty thì cửa hàng Tâm Nguyên 1 chỉ được phép bán các loại rau củ quả.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng lại bày bán số lượng lớn cá biển và thịt. Theo người đứng đầu Công ty, những sản phẩm được bày bán như thịt lợn có nguồn gốc từ trang trại chăn nuôi tổng hợp của Công ty tại xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn. Lợn được đưa vào lò giết mổ tập trung rồi bày bán tại cửa hàng. Còn cá biển được Công ty đặt mua của ngư dân Cửa Hội với giá thành cao hơn 10% sau khi được trực tiếp lựa chọn sản phẩm tươi ngon nhất.
Thế nhưng, qua kiểm tra, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Tâm Nguyên không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của thực phẩm.
Cụ thể, lô hàng thịt là thiếu giấy chứng nhận kiểm tra giết mổ, kiểm tra thú y. Đối với sản phẩm cá, thiếu giấy xác nhận đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP nông lâm thủy sản, hợp đồng hoặc giấy mua bán, giấy cam đoan của hộ ngư dân cung cấp cá cho Công ty.
Ngoài ra, các sản phẩm thịt, cá đã qua sơ chế và bọc, gói bằng túi chân không, bảo quản trong tủ lạnh không được công khai giá cả, trọng lượng, ngày sản xuất hoặc sơ chế và hạn sử dụng. Công ty cũng không chứng minh được thời gian cá, thịt được lưu trữ, bảo quản trong tủ lạnh. Theo đó, đại diện Công ty đã thừa nhận các lỗi vi phạm trên. Sau đó, đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, lấy mẫu kiểm nghiệm theo quy định.
Theo quy trình, để có được chứng nhận thực phẩm an toàn theo chuỗi, người kinh doanh gặp không ít khó khăn, thậm chí thua lỗ; bởi an toàn theo chuỗi là an toàn trong cả một quá trình, từ khâu nuôi trồng, chế biến, cung ứng, tiêu thụ phải đạt chuẩn và an toàn. Nếu một trong các khâu đó bị phát hiện có sai phạm, người kinh doanh phải chịu toàn bộ thiệt hại cho lô hàng đó.
Do việc kinh doanh các mặt hàng rau an toàn thường có doanh thu thấp hơn do phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, chi phí vận chuyển lớn nên nhiều người kinh doanh rau sạch không dám mạnh dạn đầu tư mô hình thí điểm rau an toàn theo chuỗi. Về giá cả, các mặt hàng rau được chứng nhận an toàn theo chuỗi sẽ có giá cao hơn so với sản phẩm thông thường.
Theo tìm hiểu được biết, phần lớn sản phẩm được xác nhận an toàn theo chuỗi đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trước khi bày bán đã được cơ quan chức năng hỗ trợ việc phân tích, đánh giá.
Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn tỏ ra thờ ơ với các mặt hàng rau an toàn bởi nhiều người vẫn còn mơ hồ, thậm chí không hiểu khái niệm an toàn theo chuỗi. Đó là chưa nói đến việc họ chưa thật sự tin tưởng với loại rau này khi thông qua mắt thường, không thể phân biệt giữa rau an toàn với rau không an toàn...
Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và bản thân, người tiêu dùng cần kiên quyết tẩy chay và “nói không” với thực phẩm bẩn và chỉ nên mua thực phẩm ở những cơ sở đáng tin cậy.
Cùng với đó, chính quyền địa phương, ngành quản lý thị trường, các cơ quan liên quan đến ATVSTP cần tăng cường tuyên truyền để người dân biết về các địa chỉ bán hàng được công nhận đảm bảo ATVSTP. Ngoài ra, các nhà quản lý cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chế tài xử lý nghiêm các sai phạm, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho những người kinh doanh thực phẩm sạch.
Xuân Thống