Kinh tế xã hội
Thành triệu phú nhờ cây quýt Phủ Quỳ
(Congannghean.vn)-Tận dụng lợi thế nguồn đất đai sẵn có và không ngừng tìm tòi, học hỏi làm giàu, ông Hoàng Hữu Dũng (SN 1964) ở xóm 4B, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, đã trở thành triệu phú nhờ cây quýt trên vùng đất khó.
Theo chân Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Nghĩa Mai qua con đường quanh co đèo dốc, chúng tôi tìm về trang trại quýt của ông Hoàng Hữu Dũng nằm khuất sâu trong khu vực đồi Láo. Pha trà mời khách, ông Dũng kể về con đường vượt khó làm giàu của mình.
Ông Dũng cho biết, bản thân là người gốc huyện Diễn Châu (Nghệ An) và theo bố mẹ lên vùng đất Nghĩa Mai lập nghiệp từ nhỏ. Năm 1988, ông cùng vợ vào khai hoang khu vực đồi Láo (thuộc xóm 4B, xã Nghĩa Mai). Những ngày đầu với vợ chồng ông thật khó khăn. Khai hoang đến đâu, vợ chồng ông trồng trọt, chăn thả gia súc đến đó. Dù vất vả, lam lũ nhưng cuộc sống vẫn bữa đói, bữa no.
Sau này, khi Nhà máy mía Nghĩa Đàn được xây dựng, gia đình ông Dũng chuyển sang trồng mía nhưng giá mía lên xuống thất thường. Vì vậy, thu nhập cả năm từ 4 ha mía cũng chỉ đủ sống tằn tiện qua ngày.
Khi xem tivi, nghe đài thấy nhiều gương làm giàu, nhiều đêm ông trăn trở: “Người ta có thể vươn lên làm giàu, tại sao mình không thể?”. Sau khi đi tham quan một số mô hình trang trại trong huyện và tỉnh, ông Dũng nhận thấy giống quýt Phủ Quỳ rất được thị trường ưa chuộng.
Ông Dũng (phải) trong trang trại quýt trĩu quả |
Năm 2006, ông quyết định phá bỏ 4 ha diện tích vườn đồi trồng mía và sắn của gia đình không mang lại hiệu quả kinh tế cao và đầu tư hơn 10 triệu đồng mua 600 gốc quýt, 900 gốc cao su để trồng thay thế. Việc làm của ông Dũng bị người dân trong làng xem là liều lĩnh vì bao năm qua, với bà con nơi đây, mía và sắn là hai giống cây trồng chủ lực. May sao, cây quýt rất hợp với vùng đất đồi ở Nghĩa Mai nên 600 gốc quýt phát triển khá nhanh. Do quýt và cao su là những giống cây dài ngày nên ông trồng thêm cây lạc, đậu và chăn nuôi gà, vịt để “lấy ngắn nuôi dài”.
Tuy nhiên, khó khăn với ông cũng không hề nhỏ vì khu vườn nằm cách xa trung tâm xóm 3 km, đường sá đi lại khó khăn, không có điện. Để tạo thuận lợi trong việc chăm bón cây, ông đầu tư 15 triệu đồng kéo đường dây điện dài 1,5 km về trang trại. Nhưng điện về đến nơi rất yếu, chỉ đủ thắp sáng, không thể chạy máy bơm nước.
Từ khi mở trang trại trồng quýt đến giờ, ông Dũng phải dùng máy nổ phát điện để bơm nước phục vụ việc chăm sóc cây. Mùa khô hạn, việc tưới nước cho vườn quýt còn khó khăn hơn khi phải sử dụng cùng lúc 2 máy nổ và kéo 1,5 km đường ống dẫn nước từ khe về trang trại. Do không tính toán kỹ đầu ra, ông Dũng đã thất bại. Vườn cao su 900 gốc đến kỳ thu hoạch nhưng chỉ cạo mủ được một vụ, tới vụ thứ 2 đã phải chặt bỏ vì chất lượng mủ kém, giá nhân công cao, đầu ra bấp bênh. Để thay thế, ông đầu tư vốn trồng thêm 1.000 cây cam, bưởi giống năng suất cao.
Giống cây quýt phát triển tốt và vụ đầu tiên, 600 gốc quýt của gia đình ông Dũng cho sản lượng 7 tấn, thu về 70 triệu đồng. Ông tiếp tục đầu tư mua thêm cây giống về trồng. Đến nay, trong trang trại của ông, chỉ riêng cây quýt đã lên tới 2.000 gốc. Từ năm 2012 đến nay, trừ chi phí, mỗi năm riêng cây quýt ông đã thu về 500 - 700 triệu đồng. Nhận thấy nhu cầu trồng cam, quýt của người dân ngày càng cao nên từ năm 2013 đến nay, ông còn ươm cây giống cam, quýt, bưởi để bán cho bà con trong và ngoài xã. Riêng năm 2014, ông bán được 6.000 cây giống, thu về 120 triệu đồng. Vừa bán, ông vừa hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quýt cho bà con.
Ông Lê Hải Long, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết: Nghĩa Mai là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Nghĩa Đàn. Trong xã còn nhiều hộ nghèo nên mô hình trang trại quýt cho thu nhập cao của ông Hoàng Hữu Dũng ở xóm 4B là một điển hình rất đáng tôn vinh. Ông Dũng là người kiên trì, chịu khó tìm tòi, học hỏi để vươn lên làm giàu chính đáng với thu nhập trên nửa tỉ đồng mỗi năm. Ông cũng là người tiên phong đưa cây quýt về trồng ở đất Nghĩa Mai.
Hàng năm, có nhiều đoàn thể, cá nhân thường xuyên về đây tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm giàu từ mô hình trang trại quýt của ông Dũng. Từ thành công của ông Dũng, nhiều hộ gia đình ở xóm 4B nói riêng và xã Nghĩa Mai nói chung đã làm theo, nhờ đó từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Duy Ngợi