Kinh tế xã hội
Gắn lợi ích của người dân với việc trồng, bảo vệ rừng
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, các chính sách giảm nghèo bền vững ở các địa phương miền núi luôn được các cấp, ngành quan tâm. Đặc biệt, khi Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 về bảo vệ, phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững được ban hành, đã tiếp thêm động lực gắn lợi ích của người dân với rừng trong thời gian tới.
Với tổng diện tích đất lâm nghiệp 1.160.242,4 ha chủ yếu tập trung ở 10 huyện miền Tây của tỉnh, trong đó có 3 huyện nghèo nằm trong Chương trình 30a (Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong), thời gian qua, nhiều chương trình lồng ghép, gắn lợi ích của người dân với việc trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng đã được triển khai rộng khắp.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích rừng trên địa bàn là 904.642,98 ha, trong đó có trên 2.000 ha rừng trồng mới trong năm nay, độ che phủ đạt trên 54%. Để đạt được kết quả đó, ngoài việc triển khai có hiệu quả các chính sách trồng rừng đối với các cá nhân, tập thể, đơn vị…, công tác vận động người dân tham gia bảo vệ, chăm sóc rừng có vai trò rất quan trọng.
Cùng với đó, việc nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế đốt nương làm rẫy, du canh du cư cũng được đẩy mạnh thông qua hình thức tuyên truyền đến từng hộ, nhờ đó tình trạng phá rừng cũng giảm đáng kể. Các cơ quan chức năng đã tiến hành bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm lâm luật trong thời gian qua. Vì vậy, tình hình tội phạm liên quan đến rừng không còn diễn biến phức tạp như những năm trước. Tuy nhiên, để từng bước giảm thiểu số vụ vi phạm liên quan đến lâm sản, cần có thêm nhiều chính sách bảo vệ rừng.
Một hộ dân tại bản Mường Hin, xã Tiền Phong (Quế Phong) thu hoạch măng Bát Độ xen kẽ rừng trồng |
Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được ban hành hơn 2 năm qua đã phần nào giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống.
Theo đánh giá của các ban, ngành và lãnh đạo một số địa phương, Quyết định 755 đã tạo động lực để người dân bỏ hẳn lối canh tác lạc hậu, đốt nương làm rẫy. Từ chính sách này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai kế hoạch cụ thể cho người dân, khuyến khích họ khoanh nuôi, trồng rừng một cách có hiệu quả. Chỉ tính riêng tại huyện Quế Phong, theo thống kê của Phòng Dân tộc thì đến nay, trên địa bàn đã có 782 hộ tại 8/13 xã, thị trấn trồng, khoanh nuôi được 2.244 ha rừng.
Được biết, Nghị định 75 quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.
Theo đó, trợ cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng trồng rừng thay thế nương rẫy đối với các hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng, trong thời hạn không quá 7 năm; cho vay ngoài số tiền hỗ trợ với hạn mức tối đa 15.000.000 đồng/ha, nếu với mục đích chăn nuôi trâu, bò, gia súc thì hạn mức vay tối đa 50.000.000 đồng và lãi suất chỉ 1,2%/năm.
Theo đánh giá của ngành lâm nghiệp, với Quyết định 755 và Nghị định 75, người dân các địa phương vùng núi cao, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã nghèo, vùng đặc biệt khó khăn sẽ “ràng buộc” lợi ích của mình với rừng hơn. Cụ thể, theo Nghị định 75, hoạt động sản xuất lâm nghiệp của người dân sẽ được khép kín đồng bộ trong tất cả các khâu như: Trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ, sản xuất lâm nghiệp ngoài gỗ và phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại.
Có nghĩa là, để được tiếp cận nguồn chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từng bước thoát nghèo thì người dân phải gắn lợi ích của mình với rừng nhiều hơn. Về công tác phát triển lâm nghiệp ngoài gỗ, thực tế trong thời gian qua, ở nhiều địa phương vùng cao đã thực hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả.
Nói về Nghị định 75 và các chính sách liên quan đến giảm nghèo bền vững gắn với bảo vệ rừng, ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Ngay sau khi Nghị định 75 được ban hành, ngày 23/9/2015, Bộ NN&PTNT cũng đã có Công văn số 1395 giao cho Sở NN&PTNT các tỉnh nhanh chóng rà soát, lên kế hoạch thực hiện và bổ sung nguồn kinh phí thực hiện.
Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 12 huyện với tổng số 156 xã được hưởng chính sách theo Nghị định 75, trong đó có 60 xã khu vực II và 96 xã khu vực III. Hiện nay, tổng diện tích đất lâm nghiệp giao cho đối tượng này là hơn 1 triệu ha, diện tích bảo vệ rừng là 716.708 ha, giao cho hộ gia đình quản lý là 188.441 ha, còn lại là các tổ chức, đơn vị khác.
Ngọc Thái