Kinh tế xã hội
Phát huy vai trò 'đầu tàu' tăng trưởng
(Congannghean.vn)-TP Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở pháp lý để phát triển TP Vinh và tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, đồng thời là cơ hội để thành phố thúc đẩy thu hút đầu tư, thể hiện sứ mệnh “đầu tàu” trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Trong nhiều năm qua, nhất là giai đoạn 2010 - 2015, lĩnh vực thu hút đầu tư nhằm tạo diện mạo mới của thành phố nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và tỉnh. Mặc dù triển khai thực hiện trong điều kiện khó khăn chung nhưng TP Vinh đã có bước phát triển vượt bậc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt và tinh thần trách nhiệm, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến các xã, phường đã tích cực tuyên truyền về chính sách kinh tế, môi trường thu hút đầu tư theo cơ chế thông thoáng, hiệu quả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn.
Đẩy nhanh công trình cải tạo, nâng cấp Kênh Bắc trong Tiểu dự án đô thị Vinh |
Đặc biệt, thực hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ có không gian đô thị với diện tích khoảng 250 km2; bao gồm toàn bộ TP Vinh, TX Cửa Lò, một phần của các huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc, được giới hạn phía Bắc đến đường Nam Cấm và sát biển Đông, phía Nam đến sông Lam và đường tránh TP Vinh, phía Tây đến xã Nam Giang và sông Kẻ Gai, phía Đông giáp sông Lam đến Cửa Hội và biển Đông. Cùng với đó, dự báo quy mô dân số quy hoạch TP Vinh đến năm 2020 là khoảng 667.000 người; trong đó có 78% dân số đô thị với tỉ lệ tăng từ 3 - 3,6%/năm. Đến năm 2030, dự báo có khoảng 900.000 người; trong đó, 90% dân số đô thị, với tỉ lệ tăng 2,8 - 3,3%/năm từ năm 2020 - 2030.
Quy mô lao động đến năm 2030 đạt khoảng 450.000 người, chiếm 50% tỉ lệ dân số. Trong đó, ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỉ lệ 5%, ngành công nghiệp và xây dựng 40%, ngành dịch vụ 55%, đáp ứng nhu cầu lao động tại chỗ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất trong tương lai. Đặc biệt, diện mạo của thành phố được định hình trên không gian đô thị với 4 phân vùng chính gắn liền với chức năng cụ thể, trong đó có 3 phân vùng phát triển đô thị và 1 phân vùng là khu vực liên kết.
Bao gồm: Khu vực đô thị trung tâm, gồm TP Vinh hiện tại và mở rộng về phía Tây thuộc huyện Hưng Nguyên với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, đầu mối về thương mại, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, công nghiệp sạch và công nghiệp công nghệ cao và các khu đô thị mới; khu vực đô thị Cửa Lò hiện tại và mở rộng về phía Tây thuộc huyện Nghi Lộc có chức năng là đô thị du lịch biển và phát triển các khu đô thị mới; khu vực đô thị Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam có chức năng là trung tâm công nghiệp và đầu mối vận tải hàng hóa, đồng thời phát triển các khu đô thị mới và khu vực vùng đệm thuộc vùng nông thôn và vùng ven để phát triển nông thôn - nông nghiệp, là không gian đệm giữa các khu vực đô thị.
Nhờ chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư và ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong vòng 5 năm qua, thành phố đã phối hợp với các ngành tổ chức cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 103 dự án, với tổng số vốn hơn 26.000 tỉ đồng. Trong đó có 5 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài, 12 dự án và 31 phi dự án của các tổ chức phi chính phủ với số vốn trên 3,5 triệu USD, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội.
Đáng chú ý, trong thời gian này, lãnh đạo thành phố đã chủ động tham mưu UBND tỉnh trong việc xúc tiến, tiếp cận các nhà đầu tư từ các dự án lớn của tỉnh như nhà đầu tư từ Dự án Becamex Bình Dương, siêu thị Nguyễn Kim; các nhà đầu tư với các đối tác như Namyangju của Hàn Quốc, Tkusuba của Nhật Bản. Cùng với thu hút đầu tư, thành phố đã tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai trên địa bàn như công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước giai đoạn 2, dự án QL1A tránh Vinh, các dự án cầu vượt đường sắt, dự án phát triển đô thị Vinh từ vốn Ngân hàng thế giới WB...
Ông Nguyễn Hoài An, Chủ tịch UBND TP Vinh cho biết: Với định hướng phát triển đúng đắn và sự quan tâm của Trung ương cùng các bộ, ngành, sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố, thời gian qua, diện mạo đô thị TP Vinh đã thay đổi theo hướng hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ là “đầu tàu” kinh tế của cả tỉnh và trong tương lai là “đầu tàu” của cả khu vực.
Xuân Thống