Kinh tế xã hội
Cần siết chặt quản lý giá điện nhà trọ
(Congannghean.vn)-Mặc dù đã có những quy định cụ thể về cách tính và mức giá bán điện nhằm đảm bảo quyền lợi cho người ở trọ nhưng vì lợi nhuận, các chủ nhà trọ vẫn phớt lờ quy định của pháp luật, thu tiền điện của người thuê trọ cao ngất ngưởng.
Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện có hiệu lực từ ngày 1/12/2013 quy định rõ về việc phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê cao hơn giá quy định trong trường hợp chỉ để phục vụ mục đích sinh hoạt. Đối với trường hợp có 4 người cùng thuê trọ, ký hợp đồng 6 tháng và đã đăng ký tạm trú thì sẽ được chủ nhà trọ lắp công tơ điện riêng và giá điện sẽ được tính theo bậc thang như hộ gia đình. Mặt khác, bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào số đăng ký tạm trú. Song, trên thực tế, các chủ nhà trọ đều không thực hiện đúng quy định này mà vẫn vô tư thu tiền điện của người thuê với giá cao hơn so với quy định.
Người thuê trọ phải “còng lưng” gánh tiền điện giá cao |
Hiện nay, để tìm được một khu trọ có giá điện được tính theo quy định của Nhà nước trên địa bàn TP Vinh là vô cùng khó khăn. Theo khảo sát của phóng viên, tại hầu hết các khu nhà trọ xung quanh các Trường Đại học Vinh, Đại học Kinh tế Nghệ An và các trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề, các khu công nghiệp, các chủ nhà trọ đang thu giá điện ở mức từ 2.500 - 3.000 đồng/kWh, nhưng con số 2.500 đồng/kWh là rất ít. Trong khi đó, theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT quy định về giá bán điện sinh hoạt đối với các hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng, sẽ phải trả giá điện 1.484 đồng/kWh; từ 51 - 100 kWh, trả 1.533 đồng/kWh; từ 101 - 200 kWh/tháng, trả 1.786 đồng/kWh; từ 201 - 300 kWh/tháng, trả 2.242 đồng/kWh; từ 301 - 400 kWh/tháng, trả 2.503 đồng/ kWh; từ 401 kWh/tháng trở lên, trả 2.587 đồng/ kWh. Với biểu giá bán điện này thì hiện nay, sinh viên, công nhân thuê trọ phải trả giá điện cao hơn nhiều lần so với quy định.
Em Nguyễn Thị Trâm, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho biết: “Không phải khi giá điện tăng, chúng em mới phải trả 3.000 đồng/số, mà từ khi học năm thứ nhất, đã phải chịu tiền điện với giá này rồi”. Khi được hỏi tại sao không kiến nghị với các cơ quan chức năng, Trâm cho biết: “Bọn em không biết về quy định này, mà nếu có biết chắc cũng không dám kiến nghị, vì làm như vậy lại va chạm với chủ trọ, với lại nhà trọ nào cũng thu giá 3.000 đồng/số như vậy”.
Trong vai người đi thuê trọ, chúng tôi tìm đến khu trọ của bà N.T.T. ở phường Bến Thủy, TP Vinh. Bà T. cho biết, ở đây, tiền phòng là 700.000 đồng/tháng, mỗi người phải đóng 35.000 đồng tiền nước/tháng, tiền điện là 3.000 đồng/số. Khi chúng tôi thắc mắc về việc tại sao giá điện cao như vậy, bà T. cho biết, nhiều sinh viên thuê ở không cố định, vài ba tháng lại chuyển đi nơi khác nên việc đăng ký tạm trú để làm hợp đồng mua bán điện với công ty điện lực là rất khó. Bên cạnh đó, tại khu vực này, nhà trọ nào cũng thu với mức giá trên và thu như vậy là để bù vào tiền điện thắp sáng hành lang, lượng hao hụt điện năng…
Tuy nhiên, theo Thông tư số 16/2014TT-BCT ghi rõ quy định về giá bán điện, trong trường hợp người thuê nhà không ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện thì chủ cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung. Tuy nhiên, hiện nay, thay vì cộng thêm 10%, các chủ nhà trọ lại cộng thêm 20 - 30% . Vì vậy, những người thuê trọ luôn phải “gánh” giá điện cao ngất ngưởng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Văn Nga, Giám đốc điện lực TP Vinh cho biết: “Việc các chủ trọ thu tiền điện cao hơn quy định là hành vi sai phạm. Hiện nay, những hộ cho thuê phòng trọ bên phía chúng tôi đang bán điện theo giá điện sinh hoạt. Nếu cứ có 4 người thuê trọ, có đầy đủ các loại giấy tờ thì chúng tôi sẽ tiến hành lắp đặt công tơ điện riêng và giá điện vẫn được tính theo bậc thang như một hộ gia đình. Khi lên ký kết hợp đồng, bên phía điện lực cũng đã tuyên truyền để các chủ cho thuê trọ phải bán đúng giá điện. Tuy nhiên, khi thuê trọ, giữa chủ nhà và người thuê đã thoả thuận giá điện cao hơn so với quy định nên rất khó xử lý”.
Việc người thuê trọ phải “còng lưng” gánh số tiền điện cao hơn so với quy định đã diễn ra từ lâu. Vì vậy, để người thuê trọ thực sự được hưởng các quyền lợi từ quy định của Nhà nước, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định về giá bán điện của các chủ nhà trọ. Đồng thời, học sinh, sinh viên, công nhân trước khi thuê trọ nên tìm đến nhưng nơi niêm yết giá điện cụ thể, đúng với quy định của Nhà nước. Khi vào thuê trọ, cần phải có hợp đồng giữa hai bên, trong hợp đồng phải có sự thoả thuận, thống nhất giữa hai bên về giá tiền phòng, tiền điện, nước.
Đặng Duyên