Kinh tế xã hội

Bảo hiểm nông nghiệp: Hay, nhưng cần hướng dẫn cụ thể

09:03, 12/09/2015 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Sau 3 năm triển khai thí điểm, tại Nghệ An, tuy còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ nhưng bảo hiểm nông nghiệp đã trở thành một giải pháp trong hỗ trợ người nông dân sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, góp phần hình thành ý thức và thói quen tuân thủ nguyên tắc sản xuất, canh tác theo hướng hiện đại hóa, một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành nông nghiệp hướng tới. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc tiếp tục triển khai hay có những thay đổi gì để phát huy ưu điểm, lợi thế của loại hình bảo hiểm này.

Theo Quyết định số 315 của Thủ tướng Chính phủ, bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 được triển khai thí điểm cho 3 sản phẩm nông nghiệp là cây lúa, vật nuôi và thủy sản. Tại Nghệ An, Yên Thành là một trong 3 huyện được UBND tỉnh chọn triển khai thí điểm bảo hiểm cây lúa từ năm 2012. Là mô hình mới nên ngay từ khi triển khai, chính quyền các cấp đã phối hợp với Công ty Bảo Việt Nghệ An tổ chức 11 lớp tập huấn cho bộ phận giúp việc. Qua 3 năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực của các cấp, hơn 150.000 hộ đã tham gia với mức kinh phí gần 2 tỉ đồng.

Thực hiện bảo hiểm nông nghiệp tạo điều kiện                         để người nông dân canh tác, sản xuất theo hướng hiện đại hóa
Thực hiện bảo hiểm nông nghiệp tạo điều kiện để người nông dân canh tác, sản xuất theo hướng hiện đại hóa

Bên cạnh những kết quả đạt được, bảo hiểm nông nghiệp đã bộc lộ một số hạn chế cần tháo gỡ. Điển hình như: Căn cứ để hỗ trợ bảo hiểm cho nông dân dựa vào năng suất chung của toàn xã, nếu năng suất của địa phương giảm 20% trở lên thì nông dân mới được hỗ trợ, còn đối với trường hợp nông dân mất mùa riêng, có tham gia đóng bảo hiểm nhưng nếu năng suất của xã không bị thiệt hại trên 20% lại không được hỗ trợ; hoặc khi lúa mới gieo cấy nhưng gặp thiên tai, bão lũ làm thiệt hại diện tích, yêu cầu trên 20% diện tích bị mất mới được hỗ trợ kinh phí để gieo cấy lại. Trong khi đó, người nông dân mong muốn được tính năng suất bảo hiểm theo từng năm hoặc từng vụ, công tác bồi thường cho người tham gia bảo hiểm nên tính theo thực tế bằng cách lấy năng suất sụt giảm cho người tham gia so với năng suất bảo hiểm...

Căn cứ Quyết định số 315 của Chính phủ và Thông tư 47 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài huyện Yên Thành thì 2 huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu cũng được chọn thí điểm bảo hiểm cây trồng; còn 3 huyện Đô Lương, Thanh Chương và Tương Dương được chọn thí điểm bảo hiểm vật nuôi. Theo đánh giá của Trưởng ban Kinh tế Vương Đình Huệ tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại Nghệ An năm 2012 thì, ít có chính sách nào đi vào cuộc sống nhanh chóng và có kết quả như chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai như phạm vi bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm, phí bảo hiểm... không phù hợp với thực tế đã được các cơ quan chức năng tiếp thu và điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, do là loại hình mới nên nhiều hộ dân tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn tham gia mang tính chất thăm dò (tham gia ít hoặc không tham gia), hoặc lựa chọn các đối tượng được bảo hiểm có rủi ro cao để tham gia. Điều này gây khó khăn cho công tác thí điểm với nguyên tắc lấy số đông bù số ít.

Trong quá trình triển khai, có những thời điểm tổn thất xảy ra với quy mô lớn, đồng loạt trên phạm vi rộng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc huy động tài chính để bồi thường bảo hiểm. Việc đánh giá, xác định tổn thất vật nuôi có lúc còn thiếu chính xác, thiếu khách quan do sự phối hợp của các thành viên liên quan chưa chặt chẽ, tâm lý còn nể nang. Mặt khác, năng suất thực tế (bảo hiểm cây lúa) phụ thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan như cơ cấu giống thay đổi theo mùa vụ, chăm sóc và bảo vệ thực vật, trong khi, chỉ nguyên nhân do thiên tai, sâu bệnh mới thuộc phạm vi bảo hiểm.

Theo đánh giá của các nhà quản lý nông nghiệp và cán bộ hội nông dân các cấp, việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp đã mang lại những tín hiệu khả quan trong việc nâng cao nhận thức của nhiều nông dân, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân, hỗ trợ thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Các địa phương được lựa chọn làm thí điểm, các địa bàn huyện, xã làm thí điểm với các sản phẩm cây lúa, chăn nuôi, thuỷ sản là những mặt hàng sản xuất nông nghiệp quan trọng của địa phương phù hợp với điều kiện, đặc thù sản xuất nông nghiệp, phân bố dân cư và yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương.

Ngoài ra, thông qua thí điểm, bảo hiểm nông nghiệp đã tạo cho người sản xuất nông nghiệp ý thức và thói quen tuân thủ quy trình sản xuất, canh tác. Tuy nhiên, là lần đầu thực hiện nên sẽ bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục, điều chỉnh. Ngoài những đề xuất từ người dân và chính quyền, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, cần có sự hỗ trợ kịp thời về mặt chính sách. Bởi có hiệu quả thì doanh nghiệp bảo hiểm mới quyết định gắn bó với một mặt hàng nào đó mà mình lựa chọn. Yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để tiếp tục duy trì hay điều chỉnh trong triển khai bảo hiểm nông nghiệp; từ đó để các bên tham gia có giải pháp và hướng đi thích hợp nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả mà loại hình bảo hiểm này mang lại.

Hà Nhi

Các tin khác