Kinh tế xã hội
Tập trung nguồn lực trong phòng chống HIV/AIDS
(Congannghean.vn)-Tính đến cuối năm 2014, Nghệ An có trên 9.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, tập trung ở 21/21 huyện, thành, thị, trong đó tập trung nhiều ở các địa phương như TP Vinh, các huyện Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu. Nghệ An vẫn là tỉnh nằm trong nhóm các địa phương có số người nhiễm HIV cao của cả nước, trong khi đó, nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế đang giảm mạnh. Vì vậy, đảm bảo nguồn kinh phí trong phòng, chống HIV/AIDS đang là vấn đề cấp thiết trong công cuộc đẩy lùi đại dịch này ra khỏi cộng đồng.
Cấp phát thuốc Methadone cho bệnh nhân tại cơ sở điều trị luôn cần một nguồn kinh phí ổn định |
Theo kết quả điều tra cho thấy, nhiễm HIV chủ yếu lây qua đường máu mà đối tượng chính là nhóm tiêm chích ma túy (với trên 85%); lây truyền qua đường tình dục, trong đó chủ yếu là nam giới (85%), nữ giới (gần 15%), tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 20 - 39. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm kiềm chế số trường hợp mắc đại dịch này ở mức thấp nhất. Số trường hợp phát hiện nhiễm đã liên tục giảm qua các năm nhưng kết quả vẫn chưa bền vững. Mật độ dân cư trên địa bàn tỉnh cao, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ lớn, trong khi nhận thức pháp luật còn hạn chế nên một bộ phận người dân dễ sa vào các tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số người nhiễm HIV/AIDS. Chính bởi vậy, nguồn lực tài chính và công tác xã hội hóa đối với lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS là rất cần thiết.
Theo nhận định của ngành Y tế, tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Mục tiêu được đặt ra là khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng ở mức dưới 0,3% vào năm 2020 và giảm dần qua các năm tiếp theo, tiến tới đẩy lùi HIV, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030, nhằm giảm thiểu các hậu quả của đại dịch này đối với sức khỏe cũng như tình hình ANTT.
Thực tế hiện nay, số trường hợp lây nhiễm HIV tăng qua các năm trong điều kiện nguồn vốn của tỉnh còn khó khăn, tổng kinh phí phục vụ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ. Tuy nhiên, những năm gần đây, các tổ chức nước ngoài đã bắt đầu cắt giảm dần nguồn viện trợ, các nguồn huy động xã hội hoá lại khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới chiến lược cũng như các giai đoạn phòng, chống HIV/AIDS trên toàn tỉnh.
Theo phê duyệt, tổng kinh phí đảm bảo các hoạt động trong phòng, chống HIV/AIDS toàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 là 348,24 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 96,34 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 96,63 tỉ đồng, kinh phí viện trợ quốc tế 37,23 tỉ đồng, quỹ bảo hiểm y tế 67,78 tỉ đồng, nguồn thu phí dịch vụ 26,27 tỉ đồng và các nguồn thu khác (từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm...) là 25,99 tỉ đồng. Cũng theo phê duyệt, nguồn ngân sách tỉnh chủ yếu sử dụng vào các hoạt động như mua sắm thiết bị, chi phí vận hành các cơ sở điều trị chất thay thế (Methadone), chi phí đào tạo và nhân sự hoạt động tại xã, phường. Thế nhưng, nhu cầu kinh phí hoạt động cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần thiết là công tác dự phòng lây nhiễm HIV và chăm sóc điều trị HIV/AIDS lại thiếu trầm trọng, bởi nguồn thu từ xã hội hóa và bảo hiểm y tế thấp so với nhu cầu. Do đó, để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả thì việc huy động các nguồn lực là rất quan trọng.
Theo mục tiêu của Đề án “Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 - 2020” được UBND tỉnh ban hành cho thấy, mục tiêu cụ thể là đảm bảo ngân sách của tỉnh cho các hoạt động này tăng dần qua các năm; huy động nguồn viện trợ quốc tế đạt tối thiểu 50% (năm 2015) và 25% (năm 2020), 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai tại doanh nghiệp; đảm bảo 75% (năm 2015) và 80% (năm 2020) người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế chi trả. Vì vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS cần được quan tâm, đầu tư, xem đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới mục tiêu đưa hoạt động này trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Xuân Thống