Khoa học - Công Nghệ

Kì diệu công nghệ giữ trái tim vẫn đập bên ngoài lồng ngực

15:55, 03/09/2015 (GMT+7)

Tính mạng của anh Lee Hall, 26 tuổi bị đe dọa sau khi trái tim cơ học, vốn giúp anh sống sót suốt 5 năm trước đó, bắt đầu ngưng hoạt động. Tuy nhiên, ông bố trẻ này đã được cứu sống nhờ quá trình cấy ghép một quả tim hiến tặng, được duy trì hoạt động bên ngoài cơ thể thông qua một công nghệ tiên phong có tên gọi "Trái tim trong chiếc hộp".

Anh Lee là một trong các bệnh nhân đầu tiên được hưởng lợi từ công nghệ đột phá trên. Sau ca phẫu thuật, anh hiện có thể tận hưởng cuộc sống cùng vợ con mà không phải lo lắng sạc điện cho trái tim cơ học mỗi ngày như trước đây.

Theo hồ sơ bệnh án, anh Lee bắt đầu bị suy tim lúc 14 tuổi, một phần do quá trình hóa trị liệu bệnh bạch cầu khi còn nhỏ. Ban đầu, các loại thuốc giúp cải thiện chức năng tim của Lee, nhưng đến năm 20 tuổi, anh bắt đầu thở hổn hển và mệt mỏi không ngừng ở nơi làm việc. Anh được đưa tới chữa trị ở Bệnh viện Harefield và được lắp một thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD) - một bơm tim cơ học thường được sử dụng để duy trì sự sống cho các bệnh nhân và giúp họ có thể rời bệnh viện trong khi chờ đợi được cấy ghép tim sinh học.

Anh Lee vẫn trong tình trạng sức khỏe tương đối tốt suốt 5 năm, nhưng tới đầu năm nay, anh đã được đưa vào danh sách cần cấy ghép tim khẩn cấp do sức khỏe suy sụp.Tiến sĩ Chris Bowles, chuyên gia về công nghệ cấy ghép tại Harefield, giải thích rằng, khi trái tim được hỗ trợ điện tử của Lee trục trặc, các bác sĩ phải vật lộn duy trì sự sống cho anh cho tới khi có tim hiến tặng để cấy ghép.

Anh Lee khỏe mạnh bên vợ con sau ca cấy ghép tim được bảo quản bằng công nghệ
Anh Lee khỏe mạnh bên vợ con sau ca cấy ghép tim được bảo quản bằng công nghệ "trái tim trong chiếc hộp" đột phá mới.

Trước đây, mọi quả tim hiến tặng ở Anh đều được trích lấy từ những người được tuyên bố đã chết não, với điều kiện chúng vẫn còn bơm máu khắp cơ thể họ. Những cơ quan nội tạng này sau đó được đông lạnh trong hộp đá và cần phải được cấy ghép trong vòng 4 tiếng đồng hồ sau đó, trước khi được các bác sĩ cho tái khởi động trở lại.

Tuy nhiên, với công nghệ "trái tim trong một chiếc hộp", các trái tim vừa ngưng đập vẫn đủ điều kiện để hiến tặng cấy ghép, chừng nào chúng được lấy ra khỏi cơ thể người chết não trong vòng nửa tiếng đồng hồ sau đó. Công nghệ mới giúp giữ ấm trái tim và có thể khiến chúng đập rộn ràng như bình thường trong cơ thể tới 8 tiếng đồng hồ, lâu gấp đôi thời gian được bảo quản trong một chiếc hộp đá đông lạnh truyền thống.

Theo các bác sĩ, hiện tại, không phải ai cần cấy ghép tim cũng có thể nhận được cơ quan nội tạng này, do không đủ tim hiến tặng thích hợp. Vì vậy, công nghệ đột phá mới có thể mang tới nhiều hy vọng hơn cho những bệnh nhân này.

 

Bấm Play để xem video quả tim đập mạnh mẽ trong chiếc hộp kì diệu

 

TH

Các tin khác