Khoa học - Công Nghệ

Đọc sách trên smartphone sẽ thay đổi ngành xuất bản

10:33, 17/08/2015 (GMT+7)

Mùa thu năm ngoái, trong lúc bế con ngủ, Andrew Vestal phát hiện ra rằng anh có thể đọc sách bằng chỉ một tay trống nhờ vào chiếc điện thoại của mình. Đây cũng là cách anh đọc hết quyển sách khoa học viễn tưởng dài 624 trang với tựa đề "The Bone Clocks". Chiếc iPhone của Vestal, một quản lý đang làm việc tại trụ sở của Microsoft, đã cho phép anh đọc sách trong những khoảng thời ngắn ngủi: đọc trong giờ nghỉ trưa, đọc khi đi từ cuộc họp này sang cuộc họp khác, đọc khi đi xuyên qua dãy hành lang dài.

Trước đây, anh đã từng nghỉ rằng đọc sách trên màn hình nhỏ là một điều đáng thất vọng, nhưng ngạc nhiên thay, giờ đây anh có thể nhanh chóng đắm chìm trong quyển sách đang hiện diện trên cái điện thoại của mình. "Nếu tôi chờ đến khi tôi rảnh đến vài tiếng đồng hồ thì tôi đã không đọc sách rồi, tôi sẽ làm việc khác".

Kể từ khi những thiết bị đọc sách cầm tay được ra mắt vào những năm 1990, cuộc cách mạng sách điện tử đã làm đảo lộn cả một ngành công nghiệp phát hành sách. Tuy nhiên, khác với những suy đoán trước đây, điện thoại mới chính là thứ làm tăng doanh số bán sách chứ không phải là những cái máy e-reader. Judith Curr, một nhà phát hành tại hãng in Atria Books, cho hay: "tương lai của việc đọc sách là ở điện thoại. Sẽ có sách trên điện thoại và sách trên giấy".

Giờ đây, bên cạnh điện thoại thì những chiếc tablet như iPad hay Kindle Fire cũng đang là những nền tảng phổ biến dành cho sách điện tử. Theo công ty nghiên cứu Nielsen, tỉ lệ phần trăm người mua e-book đọc trên tablet vào khoảng 41% trong quý 1 năm 2015, so với con số chỉ 30% của năm 2012. Tuy nhiên, chính sự gia tăng của lượng người đọc sách trên điện thoại mới chính là thứ thu hút các nhà xuất bản. Theo một khảo sát cũng do Nielsen làm vào năm ngoái, khoảng 54% người mua e-book nói họ dùng smartphone để đọc sách ít nhất một lần. Tỉ lệ này vào năm 2012 chỉ là 24% mà thôi.

Sách trên điện thoại đã trở nên phổ biến
Sách trên điện thoại đã trở nên phổ biến

Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy rằng số lượng đọc sách chủ yếu bằng điện thoại đã tăng từ 9% của năm 2012 lên thành 14% trong quý đầu của năm 2015. Trong khi đó, số người đọc bằng thiết bị e-reader như Kindle hay Nook thì lại giảm từ 50% xuống chỉ còn 32% trong cùng quãng thời gian như trên. Ngay cả việc đọc trên tablet cũng giảm từ 44% trong năm 2014 xuống 41% trong đầu năm nay.

Tóm lại, xu hướng đọc sách trên điện thoại đang ngày một trở nên phổ biến hơn. Và điều đó cũng khiến các nhà xuất bản phải suy nghĩ lại cách mà họ thiết kế, quảng bá và bán sách dành cho màn hình nhỏ. Nó cũng làm dấy lên lo ngại rằng liệu người đọc có tập trung nổi hay không khi họ liên tục bị chen ngang bởi những cái rung, những tiếng beep của các thông báo được gửi về điện thoại.

Một trong số lý do mà người ta thích đọc trên điện thoại là vì nó quá tiện lợi. Nếu bạn đang đứng xếp hàng vào tiệm ăn, đang chờ bạn bè ở chỗ mua sắm hay đang đi xe buýt đi về nhà, rất có bạn không mang sách, máy đọc sách hay một cái tablet bên mình. Tuy nhiên, điện thoại thì lại luôn hiện diện trong túi của bạn. Nghiên cứu của Pew Research chỉ ra rằng hiện có 64% người trưởng thành ở Mỹ sở hữu smartphone, tăng mạnh so với mức 35% hồi năm 2011. Đến năm 2019, số lượng người dùng smartphone tại quốc gia này được dự báo là sẽ tăng lên thành 80,8%.

Willem Van Lancker, đồng sáng lập kiêm giám đốc sản phẩm của dịch vụ thuê sách Oyster, cho biết: "Thiết bị đọc tốt nhất là thứ mà bạn luôn mang theo bên người. Bạn không cần lên kế hoạch gì cả. Cả kệ sách của tôi chẳng giúp ích gì khi tôi đang ở công viên".

Một lý do khác mà người ta chuyển sang đọc sách trên điện thoại là do kích thước và độ sắc nét của màn hình trên những chiếc smartphone mới, điều đó là trải nghiệm đọc trở nên tốt hơn. Kích cỡ trung bình của smartphone năm 2014 là 5,1", tăng đáng kể so với mức 3,9" hồi năm 2011 theo số liệu từ eMarketer. Khi Apple ra mắt iPhone 6 và iPhone 6 Plus, hãng cũng ghi nhận mức tăng trưởng về số lượng sách được tải về. Một người phát ngôn của công ty cho hay hiện có khoảng 45% lượng mua sách trên ứng dụng iBooks là từ iPhone. Trước đó, tỉ lệ này chỉ khoảng 28%, số còn lại là download từ iPad và một ít là từ máy tính.

Amazon cũng ghi nhận sự tăng trưởng tương tự. Trong số những khách hàng mới sử dụng máy Kindle hay app Kindle, người dùng điện thoại hiện là phân khúc có tốc độ phát triển nhanh nhất (nhưng Amazon từ chối tiết lộ con số cụ thể). Trong số những người xài app Kindle, lượng người đọc bằng iPhone 6 và iPhone 6 Plus nhiều hơn so với bất kì thiết bị Apple nào khác, kể cả iPad mini.

Để tiếp cận với người đọc, các nhà phát hành hiện đang thử nghiệm nhiều cách để trải nghiệm đọc trên điện thoại trở nên ngon hơn. Họ đang thiết kế sách với kiểu dàn trang dành riêng cho điện thoại, chữ cũng phải to lên trong khi các đoạn văn viết tay có thể sẽ bị loại bỏ do khó đọc trên màn hình nhỏ. Các hãng xuất bản cũng thay đổi email, các bài post trên Facebook và thậm chí là website của họ để có thể đọc được trên điện thoại. Một số nhà xuất bản thì sáng tạo hơn bằng cách cho người dùng đọc sách miễn phí ở một số địa điểm công cộng, chẳng hạn như sân bay, khách sạn, tàu hỏa.

Sách trên điện thoại sẽ thay đổi ngành xuất bản
Sách trên điện thoại sẽ thay đổi ngành xuất bản

Liz Perl, trưởng phòng marketing của công ty Simon & Schuster chuyên về phát hành sách trên di động, cho hay: "Làm thế nào tôi có thể đưa dịch vụ của mình đến một người mà chỉ 2 phút trước họ thậm chí còn chẳng nghĩ về việc đọc sách? Chính vì thế, nếu có một lựa chọn nào đó để đọc bất kì nơi đâu thì thật đáng kinh ngạc. Đây là trách nhiệm của chúng tôi, chúng tôi phải đi kiếm những người như thế".

Hiện tại Simon & Schuster đang có một chiến dịch phát e-book miễn phí tại một số tọa độ GPS nhất định. Ví dụ, thông qua ứng dụng trên di động, Simon & Schuster phát sách "The Wright Brothers" của tác giả David McCullough miễn phí tại hơn 50 sân bay ở Mỹ. Vào tháng 6 vừa rồi, họ lại phát sách "Yoga for Life" của Colleen Saidman Yee tại festival yoga ở New York. Giờ thì công ty đang nghĩ đến chuyện cung cấp sách free tại các sản sân bay ở New York, California, Missouri, Florida, Texas và Hawaii. Người dùng thì có thể đọc bao nhiêu tùy thích, miễn là họ nằm trong giới hạn địa lý đó là được.

Có một thói quen mà nhiều người đọc sách trên thiết bị di động hay làm, đó là họ sẽ chuyển giữa nhiều thiết bị với nhau, cái nào gần thì họ lấy mà dùng. Một nghiên cứu của trang đề xuất sách Goodreads đã chỉ ra điều đó, và hơn 2/3 người tham gia khảo sát trả lời rằng họ đọc trên điện thoại bởi vì họ không có máy đọc sách hay tablet gần đó.

Amazon, Google, Apple, Barnes & Noble hiện đều có ứng dụng trên smartphone để đọc sách. Nếu người dùng xài nhiều thiết bị với cùng một tài khoản, dữ liệu sẽ được đồng bộ để khi họ dừng đọc trên điện thoại thì họ vẫn có thể mở tablet ra để đọc tiếp ngay đúng chỗ đang ngừng. Amazon và Google mới đây còn đưa ra tính năng tùy chỉnh font chữ cho app của mình, và mục tiêu là mọi thứ trở nên dễ đọc hơn trên smartphone. Dịch vụ Oyster thậm chí còn cho ra mắt tính năng Lumin giúp cắt giảm lượng ánh sáng xanh phát xạ từ màn hình smartphone, tablet để bớt nhức mắt khi đọc vào ban đêm (ban đêm cũng là thời điểm mà rất nhiều người dùng Oyster bắt đầu đọc sách).

Các nhà phát hành cũng đang dồn nhiều nguồn lực cho việc xây dựng các app có thể giúp tăng cường trải nghiệm đọc e-book và cung cấp thêm một số nội dung mở rộng cho người đọc, từ những công thức làm sinh tố, hướng dẫn ăn kiêng cho đến minigame và các cập nhật hằng ngày. Tất cả đều nhằm giữ chân người dùng lại với dịch vụ và đọc nhiều sách hơn.

Nhiều học giả cũng nói rằng smartphone là một trong số những yếu tố quan trọng để giúp cải thiện tình trạng mù chữ ở các quốc gia đang phát triển, nơi mà sách và máy tính không nằm trong tầm tay của hầu hết mọi người dùng. Việc đọc trên điện thoại thì vẫn tốt hơn so với chẳng đọc gì cả.

Nhưng cũng còn đó những tranh cãi xung quanh việc liệu điện thoại có phù hợp để đọc những bài dài hay không khi mà người dùng vẫn có những lựa chọn khác. Với việc thông báo xuất hiện liên tục, người dùng rất dễ bị phân tâm, theo lời giáo sư ngôn ngữ Naomi S. Baron ở Đại học Mỹ và tác giả của cuốn sách "Words Onscreen: The Fate of Reading in a Digital World." Ngay cả khi người ta tắt thông báo của điện thoại đi thì bộ não của người đọc vẫn có khả năng bị phân tâm khi bạn cầm smartphone lên, Baron cho biết. Điều đó sẽ khiến điện thoại trở thành một thiết bị đọc với trải nghiệm kém hơn máy đọc sách.

Maryanne Wolf, một nhà thần kinh học tại Đại học Tufts, thì nhận xét: "Điện thoại là thứ đi ngược lại với trải nghiệm đọc sâu." Bà nói rằng với hầu hết mọi người, điện thoại sẽ khiến việc tập trung trở nên khó khăn hơn, nhưng không phải là không thể.

Trong khi đó, Anna Todd, cây bút của series sách "After" trên nền tảng phát hành điện tử Wattpad, thì lại nói rằng: "Chúng ta nên ngừng lo lắng về cách mà người ta sẽ đọc sách, và nên cảm thấy hài lòng bởi vì họ đã chịu đọc". Hiện tác phẩm của Todd đang có 1,3 tỉ lượt xem trên Wattpad, lại có thêm một hợp đồng phát hành với Simon & Schuster. Bản thân Wattpad có 40 triệu người dùng tích cực hằng tháng - vào 90% trong số này đọc trên thiết bị di động.

Nhiều người hay đọc trên điện thoại cũng nói rằng họ có thể tập trung khi dùng smartphone, một số người thì tắt thông báo đi. Trên Twitter, nhiều người cũng khoe là họ đã đọc hết cả một cuốn sách như "Moby-Dick", "Chiến tranh và Hòa bình", hay "Swann’s Way" chỉ bằng chiếc smartphone của mình.

Tuy nhiên, không chuyên gia nào lại nghĩ rằng điện thoại có thể thay thế hoàn toàn cho sách in. Ngay cả những người thích xài điện thoại để đọc sách cũng nhận xét rằng cách đọc này có những hạn chế nhất định. Một số người cảm thấy lạc lõng khi đọc hết cuốn sách. Họ nhớ cái cảm giác về chiều sâu của cuốn sách, cái cảm giác đã hoàn thành một việc gì đó kèm theo những mong ngóng, chờ đợi. Một vài người khác thì nói họ khó chia sẻ e-book hơn so với sách in, và nhiều người vẫn còn đọc sách in song song với e-book.

Laura Jefferson, năm nay 59 tuổi, thường hay đọc sách trên chiếc iPhone của bà vì tính tiện lợi. Nhưng khi bà cần cho mượn hay tặng sách cho người thân và bạn bè thì bà đi mua sách in. Lloyd Miller, một nhạc công ở Brooklyn, thì đọc cả trên điện thoại và cả sách in, thậm chí anh còn lén dùng điện thoại để đọc khi dẫn mấy bé con đi coi phim hoạt hình Frozen của Disney. Miller nói anh thích sách in hơn, và ebook thì chỉ để đọc khi đi tàu điện. Điện thoại anh cũng thường chứa truyện tranh và truyện trẻ em để dùng khi con anh mượn điện thoại nghịch. Trong những tình huống như thế, anh nói với các con: "Không được chơi game, nhưng con có thể đọc sách".

TH

Các tin khác