Kinh tế xã hội

Tăng nhu cầu nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm

09:18, 02/09/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ khắp các thôn, xóm tại 21 huyện, thành, thị trên toàn tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Trước tình trạng lao động thất nghiệp ngày càng tăng cao, dòng vốn trên là nguồn lực quan trọng để nhiều lao động tìm việc làm, phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn thì nguồn vốn trên còn rất khiêm tốn. Vì vậy, tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm là nhu cầu cấp thiết đối với người lao động, nhất là ở các vùng nông thôn, ngoại thành...

Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội  TP Vinh là một trong nhiều đơn vị thực hiện có hiệu quả chức năng cho vay, thu hồi vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Việc thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay vốn đã tạo cơ sở giúp địa phương đẩy mạnh phát triển KT-XH, nhất là kinh tế cá thể, hộ gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu trong các trường hợp thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm là gia đình chị Trần Thị Vân ở xóm Phong Hảo, xã Hưng Hòa, TP Vinh.

Gia đình chị Trần Thị Vân phát huy hiệu quả nguồn vốn                cho vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội
Gia đình chị Trần Thị Vân phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội

Năm 2013, sau khi xét duyệt đủ các tiêu chí và những cam kết phải thực hiện, chị Vân được Ngân hàng Chính sách xã hội TP Vinh cho vay 20 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, chị mạnh dạn mua máy xay xát, mở cơ sở tại nhà để phục vụ nhu cầu của gia đình và địa phương. Trên cơ sở lợi nhuận thu được, chị mạnh dạn phát triển chăn nuôi lợn nái, lợn thịt và nuôi trồng thủy sản. Nhờ chăm chỉ lại tháo vát, năng nổ nên từ đó đến nay, cuộc sống gia đình chị ngày càng khấm khá, có điều kiện mua sắm thêm xe và lo cho con ăn học. Chị Nguyễn Thị Hồng, cán bộ Hội Nông dân xã Hưng Hòa cho biết, riêng trong năm 2015, đã có 20 trường hợp được vay nguồn vốn giải quyết việc làm, với tổng số tiền trên 400 triệu đồng, trong đó chủ yếu là vay để phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản...

Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và tổ chức, đoàn thể sử dụng triệt để nguồn vốn, kịp thời thẩm định và tạo điều kiện để những đối tượng có nhu cầu được vay vốn kịp thời. Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ cho vay của nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm là 124 tỉ đồng. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 24 tỉ đồng và thu nợ 20 tỉ đồng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hiện đang gặp một số khó khăn. Như trường hợp ở xã Hưng Hòa, trên thực tế, ngoài 20 trường hợp được cho vay, còn rất nhiều đối tượng muốn vay từ nguồn vốn này nhưng không thành, dù gia đình đã đáp ứng đủ điều kiện nằm trong yêu cầu của nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Trong đó, nhu cầu của các hộ gia đình cá thể vẫn chiếm phần lớn so với các cơ sở sản xuất, chủ đầu tư có quy mô lớn hơn.

Trao đổi về vấn đề này, anh Hoàng Sơn Lam, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ - Tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: “Mặc dù hàng năm, Ngân hàng đều có nguồn vốn phân bổ riêng cho chương trình cho vay giải quyết việc làm nhưng mức tăng trưởng của nguồn vốn này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm được tạo thành trên 3 cơ sở, một là nguồn từ Trung ương chuyển về và giao cho UBND tỉnh chịu trách nhiệm triển khai, hai là nguồn từ ngân sách tỉnh, thứ ba là từ các tổ chức hội (như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Thanh niên...). So với nhu cầu thực tế, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhiều lao động thất nghiệp như hiện nay thì con số được bổ sung hàng năm này còn quá khiêm tốn. Trung bình, một địa phương sẽ được vay từ 300 - 400 triệu đồng/năm”. Trong khi đó, mấy năm trở lại đây, gần như không có nguồn vốn từ Trung ương chuyển về...

Hiện nay, Chính phủ, các cấp, ban, ngành và tổ chức, đoàn thể đang tích cực thực hiện Quyết định 1956, nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong nhiều năm qua, Nghệ An đã rất chú trọng tới việc huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm tạo cơ hội cho lao động nông thôn được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao tay nghề, góp phần cải thiện cuộc sống; từ đó tiến tới mục tiêu cao hơn là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỉ lệ thất nghiệp ở cả  thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, “bài toán” nguồn vốn, nguồn lực để các lao động ứng dụng những điều đã học vào thực tế lại đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp quản lý và chính quyền địa phương.

Hà Nhi

Các tin khác