Kinh tế xã hội

Siết chặt quản lý các công trình giao thông

08:22, 01/09/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật các công trình giao thông trong những năm qua được xem là cầu nối quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH của từng địa phương. Cùng với đó, nhiều công trình giao thông đã mở ra hướng phát triển mới, phá vỡ thế “cô lập” của nhiều vùng, miền. Tuy nhiên, việc nâng cao công tác quản lý chất lượng các công trình giao thông lâu nay vẫn còn nhiều bất cập.

Quyết định 2920 sẽ “trói chặt” trách nhiệm của nhà thầu thi công trong thời gian tới (Ảnh chụp tình trạng hằn lún do bánh xe                   tại tuyến đường tránh TP Vinh)
Quyết định 2920 sẽ “trói chặt” trách nhiệm của nhà thầu thi công trong thời gian tới (Ảnh chụp tình trạng hằn lún do bánh xe tại tuyến đường tránh TP Vinh)

Thực trạng các công trình giao thông sau khi bàn giao chỉ một thời gian ngắn đã hư hỏng, xuống cấp trong thời gian qua là một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng tới đời sống KT-XH của người dân. Nhiều tuyến đường có số vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng sau khi bàn giao đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã sụt lún, xuống cấp. Về phía nhà thầu thi công, sau khi được thanh lý hợp đồng bảo hành thì coi như hết trách nhiệm. Để khắc phục vấn đề trên, ngày 13/8/2015, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2920/QĐ-BGTVT, quy định về nâng cao chất lượng bảo hành đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đây được xem là một động thái tích cực nhằm siết chặt quản lý các công trình giao thông, gắn trách nhiệm bảo hành đối với chủ đầu tư.

Lâu nay, khi phát hiện hàng loạt tuyến đường chỉ sau một thời gian ngắn nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, khai thác đã bị sụt lún, xuống cấp, nhà thầu thi công luôn “đá quả bóng” trách nhiệm cho nhiều nguyên nhân khách quan. Mặt khác, với thời gian quy định cam kết bảo hành là 2 năm sau khi bàn giao đưa vào sử dụng, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ khó có thể gắn trách nhiệm đối với nhà thầu thi công. Có chăng, nhà thầu chỉ sửa chữa một cách đối phó để “câu giờ”, tới thời điểm thanh lý hợp đồng bảo hành.

Tuy nhiên, theo Quyết định 2920 thì những nguyên nhân nói trên không còn là lý do cơ bản để nhà thầu chối bỏ trách nhiệm. Cụ thể, đối với các công trình đặc biệt và công trình cấp I, đều phải nâng thời gian bảo hành lên 48 tháng và mức tiền đảm bảo bảo hành bằng 3% giá trị hợp đồng. Đối với công trình cấp II, thời gian bảo hành là 42 tháng và mức tiền đảm bảo bảo hành là 5% giá trị hợp đồng. Đối với công trình các cấp còn lại, thời gian bảo hành là 24 tháng và mức tiền đảm bảo bảo hành là 5% giá trị hợp đồng. Quyết định 2920 được xem là động thái “trói chặt” trách nhiệm cũng như yêu cầu đảm bảo chất lượng công trình đối với nhà thầu thi công.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có hơn 14.000 km đường giao thông huyện, xã… với đủ loại cấp đường. Qua đánh giá của Sở GTVT, hiện nay có rất nhiều tuyến đường đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục công trình giao thông sau một thời gian bàn giao đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Tuy nhiên, do thời gian bảo hành của nhiều công trình đã hết, nhà thầu thi công đã được thanh lý hợp đồng nên việc sửa chữa chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách.

Trước thực trạng một số đoạn đường xuống cấp, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu xây dựng phải tiến hành sửa chữa. Với những đoạn đường còn lại, sẽ giám sát chặt chẽ quá trình thi công. Việc siết chặt quản lý các công trình giao thông sẽ được tăng cường triển khai hơn nữa trong thời gian tới theo quy định mới của Bộ GTVT đối với các cấp đường. Ngay tuyến QL1A đoạn qua Nghệ An vừa được nâng cấp, mở rộng với chiều dài 73,8 km, vốn đầu tư trên 5.000 tỉ đồng, sau khi đưa vào khai thác, đến nay đã xuất hiện nhiều đoạn bị hằn lún bởi bánh xe, ảnh hưởng tới sự an toàn của người tham gia giao thông.

Mặc dù đây là công trình đang trong thời gian bảo hành nhưng một số đoạn bị hư hỏng khiến người dân rất bức xúc. Tuyến đường tránh TP Vinh có chiều dài 24 km từ điểm nối QL1A phía Bắc thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc tới Km 23+995 đầu Trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 được đầu tư, sửa chữa tăng cường độ mặt đường từ tháng 12/2013 theo hình thức BOT. Đến tháng 4/2014, Cienco4 khánh thành, thông xe nhưng chỉ ít lâu sau đó đã xảy ra tình trạng hằn lún, bong tróc…

Với việc nâng thời gian bảo hành đối với các công trình giao thông theo quy định của Bộ GTVT, thời gian tới, việc giám sát chất lượng công trình sẽ được siết chặt hơn nữa. Đơn cử, loại đường cấp I như tuyến QL1A thì với thời gian 4 năm, các đơn vị nhà thầu không chỉ chịu trách nhiệm với cam kết chất lượng công trình ngay từ ban đầu mà còn phải đảm bảo yêu cầu về số vốn đảm bảo bảo hành là 3% giá trị hợp đồng.

Ngọc Thái

Các tin khác