Kinh tế xã hội
Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững
(Congannghean.vn)-Phát triển nông nghiệp hiện đại dựa trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh gắn với cơ cấu chuyển đổi lao động trong nông nghiệp, quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới văn minh, nâng cao năng suất lao động, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Đây là mục tiêu, quan điểm về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp Nghệ An vừa được UBND tỉnh thông qua tại Quyết định 3396 ngày 6/8/2015.
Bài 1: Nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 26/2008 của Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Đảng khóa X về “tam nông”, bức tranh toàn cảnh về nông nghiệp, nông dân và nông thôn Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, đảm bảo an ninh lương thực; tạo việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân chăm sóc cây chanh leo ở Quế Phong |
Trong đó, nông nghiệp bước đầu đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như cao su, chè, mía, thủy sản, cây trồng nguyên liệu...; phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, về tổng thể, mặc dù nông nghiệp phát triển nhưng thu nhập và đời sống của nông dân chưa được cải thiện nhiều. Nguyên nhân của thực trạng này là do phương thức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, nhất thời và bị chi phối bởi thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường. Cùng với đó, các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn hạn chế.
Từ nhiều năm nay, luôn tồn tại điệp khúc "được mùa rớt giá" trong sản xuất nông nghiệp, rồi tình trạng luẩn quẩn "trồng - chặt, chặt - trồng" diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, dẫn đến giá trị nông sản làm ra thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người nông dân. Trong khi đó, mô hình tăng trưởng nông nghiệp lâu nay chủ yếu theo quy luật “chiều rộng”, phụ thuộc vào các nguồn lực tự nhiên và chỉ chú ý tập trung tăng diện tích, tăng vụ và các yếu tố về lao động, vốn, vật tư. Với phương thức này, đã tạo ra được khối lượng sản phẩm nhiều và rẻ, nhưng giá trị sản phẩm hàng hóa làm ra lại thấp, gây lãng phí tài nguyên, đất đai.
Theo báo cáo của ngành chức năng, trước khi bước vào khảo sát đề án, trong vòng 10 năm (từ 2003 - 2013), mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn này đạt từ 4,5 - 5%; cơ cấu kinh tế nội ngành có bước chuyển dịch theo hướng tích cực (nông nghiệp chiếm 83,09%, lâm nghiệp 7,63%, thủy sản 9,28%). Trong nông nghiệp, có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng trồng trọt, tăng dần tỉ trọng chăn nuôi và dịch vụ.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng về cơ bản, nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tăng trưởng nông nghiệp chưa bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm. Kết cấu kinh tế nông thôn vẫn chủ yếu là thuần nông (sản xuất nông nghiệp chiếm trên 80%); các hoạt động phi nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn chiếm tỉ lệ nhỏ, chưa đủ sức thu hút lao động để thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhiều nơi còn yếu kém. Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức sản xuất chưa phát huy hết hiệu quả, nhất là các nông lâm trường, hợp tác xã.
Trước thực trạng trên, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là hết sức cần thiết. Mục tiêu chung của đề án là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn vốn, nâng cao đời sống của nông dân, ngư dân, diêm dân và người làm rừng. Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 4,5 - 5%; cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm 77%, lâm nghiệp 9%, thuỷ sản 14%.
Bài 2: Xây dựng nông thôn mới văn minh và quá trình đô thị hóa
Xuân Thống