Kinh tế xã hội

Nghị lực vượt khó của người nông dân sản xuất giỏi

15:46, 10/09/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Hiện nay, việc nuôi dã chiến hải sản tươi sống để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều vùng ven biển Nghệ An. Hoạt động này đã góp phần cải thiện cuộc sống của bà con ngư dân, tạo điều kiện để nhiều địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cách đây khoảng 10 năm, công nghệ trên vẫn còn khá xa lạ với người dân xứ Nghệ nói chung và miền biển Cửa Lò nói riêng. Xa lạ bởi phải đầu tư công nghệ, phải chăm chút trong quá trình sản xuất, vận chuyển.

Thế nhưng, trong khoảng thời gian đó, có một người nông dân đã nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường để hình thành cơ sở nuôi dã chiến hải sản đầu tiên trên địa bàn. Anh là Nguyễn Văn Bình (SN 1969) trú tại khối 4, phường Thu Thủy, TX Cửa Lò, một trong 63 nông dân toàn quốc được vinh danh tại Hội nghị nông dân tiêu biểu.

Cũng như bao chàng trai tại xứ biển miền Trung đầy nắng và gió, sau khi học xong phổ thông, anh Bình quyết định gắn bó với nghề đi biển của cha ông. Những chuyến ra khơi dài ngày càng khiến anh thêm yêu mảnh đất quê hương và nuôi dưỡng ước mơ làm giàu từ nguồn tài nguyên dồi dào, đặc sản của quê nhà. Năm 1993, anh lập gia đình. Tuy nhiên, dù đã rất chăm chỉ làm ăn nhưng kinh tế gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi hai người con trai lần lượt ra đời và đến tuổi ăn học.

Đó cũng là thời điểm Cửa Lò được quy hoạch thành thị xã du lịch biển với quy mô đầu tư lớn. Vợ chồng anh bàn bạc và quyết định chuyển đổi từ đánh bắt, khai thác hải sản sang thu mua, nuôi giữ, buôn bán hàng hải sản tươi sống phục vụ khách du lịch. Lựa chọn táo bạo này của anh từng khiến nhiều người thân và bè bạn, hàng xóm khuyên nên thay đổi.

Anh Nguyễn Văn Bình trao đổi với phóng viên về kinh nghiệm nuôi hải sản tươi sống
Anh Nguyễn Văn Bình trao đổi với phóng viên về kinh nghiệm nuôi hải sản tươi sống

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều lần đi học hỏi tại các tỉnh có du lịch biển phát triển khiến anh càng nuôi giữ quyết tâm vượt khó, làm giàu. Anh Bình bán toàn bộ tài sản có giá trị, trong đó có chiếc thuyền từng gắn bó với mình bao lần ra khơi để đầu tư công nghệ mới. Anh còn ra Móng Cái (Quảng Ninh) và sang tận Trung Quốc để học hỏi kỹ thuật nuôi dã chiến hải sản, làm sao để hải sản từ thuyền về vẫn đảm bảo độ dinh dưỡng, không bị gầy đi. Lúc này, tại Nghệ An, công nghệ này vẫn còn mới mẻ và ít được giới thiệu, hướng dẫn.

Bước đầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình anh Bình gặp nhiều khó khăn như: Thiếu vốn, giá cả không ổn định, đặc biệt là cách tiếp thị, tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”, ngoài việc tự học hỏi, tìm tòi, anh còn nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và những chương trình tư vấn của Hội nông dân các cấp.

Phát huy lợi thế về địa bàn và nguồn nhân lực, anh chủ động đầu tư gần 2 tỉ đồng để mở rộng, phát triển diện tích khu vực nuôi giữ hải sản và mua dàn máy sục ôxy tiên tiến. Đồng thời, đầu tư mua thêm 2 xe ôtô vận tải đông lạnh loại 5 tấn để vận chuyển kịp thời và đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ khách hàng và thị trường Trung Quốc. Trong đó, anh tập trung vào hai mặt hàng chính là ghẹ và cá. Ghẹ chủ yếu phục vụ khách tại hai địa phương Hà Nội và Hải Phòng, còn các loại cá ngon như: Cá bơn, cá chai, cá xóc lại được người dân Trung Quốc yêu thích, chọn lựa.

Nhờ uy tín trong kinh doanh, chất lượng hải sản đảm bảo nên doanh thu hàng năm của cơ sở Bình Vạn của anh Nguyễn Văn Bình lên đến 1 tỉ đồng. Từ đó, cuộc sống gia đình anh được cải thiện và trở thành hộ khá giả. Với tâm niệm hướng về cộng đồng, sẻ chia với những cuộc đời nghèo khó, anh Bình còn thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa bàn nơi cư trú. Ngoài ra, cơ sở của anh cũng đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho 20 lao động với mức lương trung bình từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.

Mai Hậu

Các tin khác