(Congannghean.vn)-Trên địa bàn tỉnh ta hiện có hàng trăm lò gạch, nhà máy gạch đang hoạt động, mỗi năm cho ra lò hàng trăm triệu sản phẩm gạch các loại, phục vụ tối đa nhu cầu xây dựng cơ bản của các cơ quan, đơn vị, người dân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch lại chưa được cấp phép khai thác mỏ đất hoặc mỏ được cấp phép nhưng đã hết thời hạn. Do đó, để có nguyên liệu duy trì sản xuất thường xuyên, lâu nay các cơ sở, nhà máy sản xuất gạch phải mua lại nguyên liệu trôi nổi trên thị trường.
Trong chuyến công tác tại xã Kim Thành, huyện Yên Thành, trên đường đi, chúng tôi bắt gặp rất nhiều xe tải nối đuôi nhau chở đất về xuôi. Qua tìm hiểu được biết, đoàn xe này đang vận chuyển đất về bán lại cho một nhà máy gạch trên địa bàn huyện. Anh Hồ Sỹ Thọ trú tại xóm Ngọc Liên, xã Kim Thành cho biết: Do nước ở đập Mua (xóm Ngọc Liên, xã Kim Thành - P.V) bị cạn khô, lòng đập có nhiều chỗ gồ ghề nên anh đã làm đơn gửi chính quyền địa phương xin múc đất cải tạo lòng hồ, đồng thời, “tìm mối” để tiêu thụ lượng đất sét thu được trong quá trình nạo vét! Thế nhưng, khi trao đổi với ông Đặng Hữu Gương, cán bộ địa chính xã Kim Thành, ông này cho biết: “Anh Thọ chỉ xin địa phương cho cải tạo lòng đập, còn về thông tin mang đất bán lại cho nhà máy gạch thì để chúng tôi kiểm tra lại!”.
Một số người đã lợi dụng việc cải tạo đồng ruộng, ao hồ để bán đất cho các nhà máy sản xuất gạch, ngói |
Tại một địa điểm khác, ở cánh đồng Ba Lại, thuộc xóm 3, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, nhiều lần chúng tôi bắt gặp cảnh hàng chục xe tải ồ ạt đến đây chở đất mang về tập kết tại một nhà máy sản xuất gạch gần đó. Tìm hiểu được biết, sau khi chuyển đổi ruộng đất, nhiều mảnh ruộng liên kết lại với nhau nhưng không bằng phẳng, do vậy, một số cá nhân đã tìm đến nhà của nhiều người dân để đặt vấn đề cải tạo ruộng. Theo đó, lợi dụng quá trình san lấp, cải tạo ruộng, những người này đã cho vận chuyển đất về bán lại cho các nhà máy sản xuất gạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Thi, Phó Giám đốc Nhà máy gạch Tuynel Đồng Thành cho biết: “Nhà máy chúng tôi mới đi vào hoạt động chưa lâu, mọi hồ sơ thủ tục đều đầy đủ, nhà máy được cấp mỏ khai thác đất nguyên liệu có diện tích hơn 3 ha. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nếu có cá nhân, đơn vị nào bán nguyên liệu là đất cải tạo đồng ruộng, ao hồ, qua kiểm tra đạt chất lượng thì chúng tôi vẫn mua về để dự trữ”.
Ngoài ra, qua trao đổi với các lãnh đạo nhà máy sản xuất gạch Tuynel Trung Đô - Nam Giang, nhà máy gạch Hưng Nguyên, nhà máy gạch Rào Gang, được biết: Các đơn vị này được cấp phép mỏ khai thác đất theo quy định của Nhà nước. Trước đây, các nhà máy thường lấy nguyên liệu trong khu vực của nhà máy nhưng nay nguồn nguyên liệu đó đã cạn kiệt nên buộc phải mua trên thị trường để duy trì việc sản xuất, kinh doanh. Theo đó, đất cải tạo ruộng đồng và đất nạo vét lòng hồ hiện nay đang được các nhà máy gạch ưa chuộng nhất.
Tuy nhiên, việc mua lại nguyên liệu trôi nổi trên thị trường không phải lúc nào cũng đảm bảo chất lượng và người sử dụng các sản phẩm gạch sẽ phải gánh chịu hậu quả. Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm về trước, chị Nguyễn Thị L. và anh Phạm Văn Đ., trú tại xóm 17, xã Nghi Phú, TP Vinh mua gạch về làm nhà nhưng gạch bị nhiễm mặn nặng. Theo đó, trong quá trình chuẩn bị vật liệu xây dựng, hai gia đình này đã đặt mua 70.000 viên gạch của một nhà máy sản xuất gạch Tuynel trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn.
Tuy nhiên, sau khi xây tường xong, trên bề mặt tường xuất hiện những đám bụi trắng kết tủa lại. Sau đó, hai gia đình đã đưa một số viên gạch ra Hà Nội để kiểm định chất lượng, kết quả, mẫu gạch bị nhiễm mặn 0,18%, cao gấp 5 lần độ mặn của nước. Thế nhưng, khi hai gia đình này đem kết quả trên phản ánh với nhà máy sản xuất gạch và yêu cầu bồi thường thì đơn vị này đã chối bỏ trách nhiệm.
Cuối năm 2014, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến nguyên liệu đất sét để sản xuất gạch, ngói nung trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Kết quả kiểm tra 5 đơn vị, nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn huyện Nam Đàn cho thấy, hầu hết các đơn vị này đều chưa được cấp phép khai thác mỏ đất nguyên liệu. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở còn thiếu các hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định của Nhà nước.
.