Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201507/ket-thuc-ky-hop-thu-14-hdnd-tinh-khoa-xvi-phien-chat-van-lam-nong-nghi-truong-622519/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201507/ket-thuc-ky-hop-thu-14-hdnd-tinh-khoa-xvi-phien-chat-van-lam-nong-nghi-truong-622519/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phiên chất vấn làm 'nóng' nghị trường - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 13/07/2015, 10:59 [GMT+7]
KẾT THÚC KỲ HỌP THỨ 14, HĐND TỈNH KHÓA XVI

Phiên chất vấn làm 'nóng' nghị trường

(Congannghean.vn)-Sau hơn 2 ngày làm việc khẩn trương, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI đã kết thúc. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân tỉnh nhà là phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các lãnh đạo sở liên quan tới các vấn đề “nóng” trong thời gian qua.

15 ý kiến chất vấn của các đại biểu tại hội trường, 22 ý kiến của cử tri qua đường dây nóng (trong cả kỳ họp) được đánh giá là sâu sát với tình hình thực tiễn và thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, bất cập liên quan tới nhiều vấn đề về khoa học - công nghệ, lao động, chế độ dành cho người có công… trên địa bàn tỉnh nhà.

Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga chất vấn Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ về đề tài bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc miền núi
Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga chất vấn Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ về đề tài bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc miền núi

Liên quan đến phiên chất vấn của kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI, 2 lãnh đạo sở đã “đăng đàn” để trả lời các ý kiến, kiến nghị là Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ - ông Trần Quốc Thành và Giám đốc Sở Nội vụ - bà Cao Thị Hiền. Liên quan đến lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, nhiều đại biểu đã chỉ ra, trong thời gian qua, hiệu quả việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa tác động mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Theo đại biểu Trần Giãn Thúy (huyện Đô Lương), thực tế hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, việc bao tiêu, tìm đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” và người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân. Trong lúc đó, nông dân chưa được tiếp cận các công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn nên tình trạng các sản phẩm bị hư hỏng đang diễn ra phổ biến. Đại biểu Thúy cho rằng, trong công tác này, Sở Khoa học Công nghệ cần có vai trò rõ ràng trong việc hỗ trợ nông dân.

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ thẳng thắn thừa nhận, ngành khoa học công nghệ đã nhận rõ trách nhiệm của mình. Trong thời gian tới, muốn giải quyết thực trạng này, phải xây dựng, tiến hành các mô hình theo chuỗi, trong đó, vì nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên chỉ tập trung vào một số sản phẩm mũi nhọn. Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu những công nghệ bảo quản tiên tiến của thế giới, phù hợp với điều kiện của tỉnh nhà để tiến tới tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh tại các địa phương.

Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ thẳng thắn thừa nhận những việc ngành khoa học công nghệ
Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ thẳng thắn thừa nhận những việc ngành khoa học công nghệ

Thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót của Sở Khoa học Công nghệ, đại biểu Nguyễn Trí Nhâm (huyện Nam Đàn) cho biết, việc triển khai áp dụng đề tài KHKT là cần thiết nhưng chỉ mới dừng lại ở mô hình. “Đáng ra, khi Sở Khoa học Công nghệ “đặt hàng” mô hình để khảo sát, nhân rộng thì phải tính đến hiệu quả. Việc “đặt hàng” không hiệu quả, ai chịu trách nhiệm? Việc làm này chưa có tính ứng dụng cao, gây lãng phí tiền của nhân dân”.

Lý giải về vấn đề này, ông Thành thừa nhận trách nhiệm và thiếu sót của Sở trong việc khảo sát, đánh giá các đề tài khoa học. Nguyên nhân một phần là do hoạt động của ngành khoa học theo cơ chế hội đồng; nghĩa là, một đề tài dự án phải được thông qua hội đồng cấp chuyên ngành, sau đó, Sở Khoa học Công nghệ mới đánh giá, tham mưu Hội đồng Khoa học tỉnh để thông qua…

Thời gian qua, tình trạng sử dụng lao động tùy tiện, không đúng quy định trong các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đã ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương hành chính và quyền lợi người lao động; sự thiếu hợp lý trong việc bố trí việc làm cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi, số học sinh được đi làm còn thấp; việc giải quyết hồ sơ tồn đọng với người có công với cách mạng còn chậm là những nội dung chất vấn với bà Cao Thị Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ đã làm “nóng” nghị trường.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, riêng về việc học sinh cử tuyển, từ năm 2008 - 2014, toàn tỉnh có 704 học sinh đi đào tạo hệ cử tuyển, trong đó có 439 em đã ra trường và 265 em đang theo học tại các cơ sở đào tạo.

Những nội dung chất vấn bà Cao Thị Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ đã làm “nóng” nghị trường
Những nội dung chất vấn bà Cao Thị Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ đã làm “nóng” nghị trường

Hiện nay, mới chỉ có 246/439 em có việc làm (chiếm 56%). Riêng về giải quyết hồ sơ tồn đọng khen thưởng kháng chiến trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tính đến ngày 20/9/2013, trong số 15.896 hồ sơ được tiếp nhận từ các huyện, thành, thị, có 9.995 hồ sơ phải xem xét lại. Hiện, Sở Nội vụ đang phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức thẩm định 7.774 hồ sơ các huyện đã trình UBND tỉnh (phấn đấu hoàn thành trong năm 2015); tiếp tục phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng Trung ương giải quyết dứt điểm 885 hồ sơ.

Về ý kiến của đại biểu Vi Xuân Giang (huyện Con Cuông) kiến nghị về việc bố trí việc làm cho học sinh cử tuyển, nhất là tại địa phương gây lãng phí (bình quân một năm, tỉnh hỗ trợ 22 triệu đồng/học sinh/năm), vừa tác động đến công tác bố trí việc làm, bà Hiền cho biết, hiện nay, Sở đang tiếp tục phối hợp với Ban Dân tộc miền núi nhưng việc thực hiện còn chậm do nhiều nguyên nhân. Trong quá trình tuyển dụng công chức, viên chức, như việc nhận giáo viên mầm non, sẽ ưu tiên các em người dân tộc thiểu số (hiện đã xét được 33 em về làm công chức tại 5 huyện núi cao).

Có thể thấy, phần chất vấn của các đại biểu đã chuyển tải được các vấn đề mà cử tri quan tâm, bức xúc. Các đại biểu đã đưa tâm tư, nguyện vọng của cử tri vào nghị trường rất rõ. Hai giám đốc sở trả lời chất vấn đều có sự chuẩn bị tốt, trả lời rõ ràng, cầu thị trong tiếp thu các vấn đề mà đại biểu phản ánh. Lãnh đạo các sở đã nhận trách nhiệm của cơ quan chủ quản và hứa đôn đốc thực hiện.

Kết thúc phiên chất vấn, ông Trần Hồng Châu, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ ra những nhiệm vụ, việc cần làm ngay đối với Sở Nội vụ và Sở Khoa học Công nghệ, đồng thời, sẽ thông báo với UBND tỉnh, các sở liên quan bằng văn bản kết luận để thực hiện và giám sát việc thực hiện. Chủ tịch HĐND tỉnh cũng mong muốn, đại biểu HĐND và cử tri tỉnh nhà thường xuyên theo dõi việc thực hiện lời hứa của các giám đốc sở. Đồng thời sẽ báo cáo việc thực hiện chất vấn trong thời gian tới đến cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

.

Mai Hậu