Kinh tế xã hội
Gỡ khó cho kinh tế trang trại
08:29, 14/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Kinh tế trang trại đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong sự phát triển của nông nghiệp nói riêng và toàn ngành kinh tế nói chung. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để kinh tế trang trại tạo được sự bứt phá đi lên.
Mũi nhọn phát triển
Được biết, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong những năm qua phát triển với tốc độ khá nhanh, cả về số lượng, quy mô lẫn việc đa dạng hóa các loại hình trang trại. Các mô hình chăn nuôi từ quy mô nhỏ, vừa đến lớn theo phương thức chăn nuôi công nghiệp đã hình thành, thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập bình quân trên địa bàn.
Nghệ An hiện có 3.185 trang trại (cả theo tiêu chí mới và cũ). Trong đó, có 420 trang trại đạt tiêu chí quy định theo Thông tư 27/2011/TT-BNN ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Bao gồm 155 trang trại chăn nuôi, 29 trang trại trồng trọt, 183 trang trại tổng hợp, 26 trang trại nuôi trồng thủy sản, 27 trang trại lâm nghiệp với diện tích bình quân 8,4 ha/trang trại và giá trị hàng hóa bình quân 1.052,52 triệu/năm/trang trại.
Kinh tế trang trại đang là xu hướng sản xuất chủ đạo của bà con nông dân |
Số lượng trang trại thuộc các lĩnh vực đều tăng rất nhanh. Tuy nhiên, tỉ lệ trang trại thuộc lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp lại có xu hướng giảm mạnh. Trang trại thuộc lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tổng hợp tăng nhanh, nguyên nhân là vì loại hình trang trại này mang lại hiệu quả kinh tế cao và khả năng thu hồi vốn nhanh. Có thể nói, ngay từ đầu, tỉnh đã xác định kinh tế trang trại là một trong những ngành chủ lực. Điều đó thể hiện ở Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 07/11/2007 của UBND tỉnh, về việc phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2007 - 2015”. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ tổng kết đề án này và đề ra phương án phát triển kinh tế trang trại cho giai đoạn tiếp theo.
Cần tháo gỡ nhiều “nút thắt”
Anh Nguyễn Đức Hoài trú tại xóm 17, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu đã có 27 năm gắn bó với trang trại bày tỏ trăn trở: “Đã từ lâu, tôi có ý định bê tông hóa hệ thống bờ ao và xây dựng mới hệ thống chuồng trại chăn nuôi trên bờ, nhưng do thời hạn thuê đất chỉ được 5 năm (đất 5% - P.V) nên tôi không dám làm, có tiền cũng chỉ gửi vào ngân hàng chứ không dám đầu tư. Hiện, ao cá cho sản lượng từ 25 - 30 tấn/vụ, nếu được thuê đất lâu dài, đầu tư bài bản, phát huy hết tiềm năng của ao cá thì sản lượng có thể lên đến từ 80 - 100 tấn. Tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, những vùng đất 5% nằm ngoài vùng quy hoạch thì cho thuê với thời hạn 20 hoặc 49 năm để an tâm đầu tư sản xuất”.
Những trăn trở của người dân là có cơ sở khi các cấp chính quyền cũng “đau đầu” vì chưa tìm ra được cách tháo gỡ cho “nút thắt” này. Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác - kinh tế hộ, Chi cục Phát triển Nông thôn, Sở NN&PTNT tỉnh cho hay: Kinh tế trang trại chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có là bởi chưa được quan tâm đúng mức. Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2010 về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Theo đó, các chủ trang trại được vay vốn ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn không cần tài sản đảm bảo (mức tối đa có thể lên tới 500 triệu đồng) đối với các chủ hộ đã được chứng nhận kinh tế trang trại.
Thế nhưng, theo Thông tư số 14 của Ngân hàng Nhà nước thì các chủ trang trại chỉ được vay một lần và phải cầm cố sổ đỏ trang trại. Nếu vay ở tổ chức tín dụng thì mọi quy định đều do tổ chức đó quy định. Tổ chức tín dụng là đơn vị kinh doanh tiền tệ, họ chỉ cho vay khi có lòng tin vào khách hàng và khả năng thu hồi vốn cao. Riêng ở Nghệ An, từ năm 2008 - 2011, UBND tỉnh có Quyết định số 10, số 19, hỗ trợ 20 triệu đồng đối với các trang trại mới thành lập. Tuy nhiên, đến năm 2012, lại ra Quyết định số 09 cắt bỏ chủ trương này. Ngoài ra, quỹ đất để phát triển trang trại chủ yếu là đất mua, hợp đồng đất 5% của xã không dùng đến hoặc đất khai khẩn. Vướng mắc lớn nhất hiện này là gần như mọi quỹ đất đều đã có chủ. Dân muốn mở rộng nhưng không được vì không đủ “lực” hoặc chủ đất không bán.
Cao Loan