Kinh tế xã hội
Để người khuyết tật kiếm kế sinh nhai: Gian nan (Kỳ 1)
Kì 1: Khó khăn chồng chất khó khăn
(Congannghean.vn)-Suy thoái kinh tế đã tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế - xã hội của nhiều bộ phận người dân. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm là nỗi lo của không ít người. Với người lành lặn, khỏe mạnh, tìm việc làm đã không dễ thì với người khuyết tật lại thêm phần khó khăn hơn. Có công việc phù hợp không chỉ giúp người khuyết tật có thể tự nuôi sống bản thân mà còn từng bước đưa họ thoát khỏi “bóng tối” của sự mặc cảm, tự ti để từ đó hòa nhập với cộng đồng, góp phần vào sự phát triển của địa phương, đất nước.
Dù đã 28 tuổi nhưng nếu nhìn bề ngoài, Trương Văn Thuận lại nhỏ thó như cậu học sinh cấp 2. Bởi Thuận sinh ra đã không bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Chân, tay Thuận bị khuyết tật, đi lại rất khó khăn. Nếu muốn đi đâu, tay Thuận luôn phải giữ đầu, bởi nếu không, cả người cậu sẽ đổ về phía trước. Những lúc vội vàng tìm đồ sinh hoạt cá nhân, lại thiếu người giúp đỡ, vì sự mất thăng bằng của cơ thể, Thuận đã ngã không biết bao nhiêu lần và lần nào cũng đau buốt.
Cha mẹ Thuận là người dân tộc Thái, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, lại đông anh em nên Thuận không có điều kiện đi học đầy đủ. Được bố mẹ đồng ý, Thuận xuống ở nhà một người bà con ở thành phố. Sau một thời gian, Thuận đi học tại Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm người khuyết tật Nghệ An rồi làm nghề trồng nấm.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm người khuyết tật Nghệ An hướng dẫn học viên thu hoạch nấm |
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm người khuyết tật Nghệ An cho biết, mỗi tháng, ngoài được hỗ trợ về chỗ ở và ăn uống, Thuận được trả 1 triệu đồng. Cùng làm việc với Thuận tại đây còn có anh Trương Văn Hùng và anh Nguyễn Hoàng. Cả hai đều bị dị tật và hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, kể từ khi có việc làm, thay vì mặc cảm, buồn phiền như trước đây, cả 3 chàng trai trẻ đều rất vui mừng và hạnh phúc.
Trên thực tế, không phải người khuyết tật nào cũng may mắn như 3 trường hợp kể trên. Để người khuyết tật có việc làm, có thể tự nuôi sống bản thân, không phụ thuộc vào gia đình là câu chuyện không hề đơn giản. Rào cản từ tâm lý vốn được mặc định rằng, người khuyết tật cần được chăm sóc đặc biệt vẫn còn in sâu trong tâm lý nhiều gia đình Việt Nam. Sự quan tâm, chăm sóc “toàn diện” từ phía bố mẹ, anh chị khiến họ không có điều kiện tiếp xúc, học hỏi những cách làm hay, những việc làm phù hợp để phát triển kinh tế.
Trong khi đại đa số người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ điều kiện cho đi học nghề để tìm kiếm việc làm phù hợp. Điển hình như trường hợp của chị Lê Thị Đ. trú tại phường Nghi Tân, TX Cửa Lò. Nhà chị Đ. có 5 anh chị em, chị là con thứ ba trong gia đình. Từ lúc sinh ra, Đ. đã bị câm điếc bẩm sinh. Không thể đi học bình thường, lại hạn chế về giao tiếp, từ nhỏ, chị chỉ quanh quẩn ở nhà, phụ giúp bố mẹ những việc lặt vặt. Biết đến Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm người khuyết tật Nghệ An, chị đã xin học nghề thợ may.
Tuy nhiên, được một thời gian thì công việc lại không phát triển như mong muốn. Chị Đ. lấy chồng rồi sinh con. Chồng chị bị nhiễm chất độc màu da cam, gia cảnh lại rất khốn khó. Sinh con xong, chị phải về bên ngoại ở. Hiềm một nỗi, các anh chị của chị và con cái cũng rất nghèo đói, có cháu cũng bị dị tật, bệnh tật triền miên. Bởi vậy, giờ cả gia đình mười mấy người chẳng biết làm gì để kiếm kế sinh nhai...
Hiện nay, Nghệ An có khoảng trên 230.000 người khuyết tật, tập trung nhiều nhất tại TP Vinh với 27.000 người. Trong đó, số người khuyết tật tìm kiếm được việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe của bản thân là rất ít. Phần lớn họ chỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ những công việc nhẹ, chưa được đi học nghề và có công việc ổn định. Tìm việc làm, giúp người khuyết tật vươn lên phát triển kinh tế đang là “bài toán” nan giải, đòi hỏi sự nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng cũng như của chính bản thân người khuyết tật.
Mai Hậu