Kinh tế xã hội

Phát triển sản xuất phải gắn với quyền lợi của người lao động

07:55, 08/05/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Những năm qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần xây dựng TP Vinh sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung Bộ, cấp ủy, chính quyền thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã từng bước sản xuất, kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh việc ổn định sản xuất thì quyền lợi của người lao động cần được đảm bảo.
 
5 năm trở lại đây, trên lĩnh vực phát triển kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, TP Vinh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thiện hạ tầng cơ sở các cụm công nghiệp nhỏ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong quá trình đô thị hóa.
Việc quan tâm tới quyền lợi chính đáng của người lao động sẽ tạo ra môi trường làm việc trách nhiệm - Ảnh minh họa
Việc quan tâm tới quyền lợi chính đáng của người lao động sẽ tạo ra môi trường làm việc trách nhiệm - Ảnh minh họa
Tuy nhiên, hiện đang tồn tại một thực tế là, công nhân lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố chủ yếu là những lao động chưa qua đào tạo nghề cơ bản, phần lớn trong số họ là các lao động phổ thông. Trong đó, có không ít người vào làm việc tại các công xưởng, nhà máy sau khi gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, mức lương hàng tháng chỉ từ 3 - 4 triệu đồng, dẫn tới tư tưởng làm việc của số đông người lao động vẫn chưa ổn định. 
 
Ở các doanh nghiệp có tính đặc thù của ngành nghề sản xuất, kinh doanh hoặc làm việc theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, số lượng công nhân lao động ít hơn, còn đối với các doanh nghiệp sản xuất mang tính đơn thuần, số lượng công nhân lao động lại nhiều hơn. Vì vậy, khi chủ doanh nghiệp biết quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động thì sẽ tạo được môi trường lao động hài hoà, trách nhiệm và an toàn, là nền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao đời sống của người lao động. 
 
Phải khẳng định rằng, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì cần đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống cho người lao động, giúp họ ổn định về tư tưởng và đời sống. Vì vậy, thời gian qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố đã chú trọng đến việc đảm bảo quyền lợi của người lao động. Ở nhiều doanh nghiệp, tổ chức, công đoàn, đã thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua lao động sản xuất, cải tiến lề lối làm việc, góp phần tăng năng suất lao động.
 
Số lượng người lao động được tham gia chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cũng tăng cao. Hiện nay, trên địa bàn TP Vinh có hàng chục nghìn lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có 28.000 lao động đã được tham gia chế độ BHXH, BHYT..., tăng hơn 10 nghìn người so với năm 2012.
 
Về vấn đề thực hiện các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ ở TP Vinh, ông Trần Văn Huyên, Giám đốc BHXH TP Vinh cho biết: “Vài năm trở lại đây, số doanh nghiệp tham gia bảo hiểm cho công nhân tăng cao, số công nhân được hưởng các chế độ cũng tăng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một thực trạng là một số doanh nghiệp lại nợ bảo hiểm. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động".
 
TP Vinh đang từng bước xây dựng và phát triển, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung Bộ. Vì vậy, ngoài việc tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp cũng cần chăm lo đến đời sống của người lao động. Bởi, việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo quyền lợi của người lao động chính là tiền đề quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp, đồng thời cũng là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế của thành phố ngày càng phát triển ổn định, bền vững. 

Hồng Quang

Các tin khác