Kinh tế xã hội

Cải thiện môi trường đầu tư: Biến lời nói thành hành động

15:35, 02/05/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Đó là chủ đề được đưa ra bàn luận tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân năm 2015, vừa diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/4/2015 tại TP Vinh, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp, Tỉnh uỷ Nghệ An tổ chức.

Diễn đàn đã thu hút hơn 300 đại biểu là các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đầu ngành đến từ các viện khoa học và các cơ quan quản lý của Đảng, Quốc hội, Nhà nước cùng tham gia.

Các chuyên gia đầu ngành về kinh tế đã trình bày những ý kiến, tham luận đánh giá thực trạng môi trường đầu tư của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Theo đó, để môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều mặt hạn chế như: Tệ nạn tham nhũng còn tồn tại, các cơ chế để doanh nghiệp hoạt động còn nhiều khâu chưa hợp lý, nợ xấu chưa được giải quyết triệt để và chưa được xử lý theo nguyên tắc thị trường…

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015, Tiến sĩ Trần Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường, nhưng có sự định hướng của Nhà nước. Hiện nay, các doanh nghiệp đã được tự do thỏa thuận thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn và “nút thắt” về thể chế, làm chậm tiến trình cải cách kinh tế hiện đang dang dở tại Việt Nam. Trong giao dịch, tuy đã tự do nhưng chưa thật sự thuận lợi và công bằng, bên cạnh đó, chi phí và rủi ro còn cao, chưa có tính cạnh tranh công bằng và minh bạch, làm “méo mó” thị trường. Trong đó, khâu yếu nhất hiện nay chính là trật tự thị trường.

Cải thiện môi trường đầu tư là một trong những bước đệm để hội nhập và phát triển
Cải thiện môi trường đầu tư là một trong những bước đệm để hội nhập và phát triển

Vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn còn rất lớn, với vai trò là một trong những nguồn lực không thể thiếu, mặc dù nó sẽ co hẹp lại theo đà phát triển của kinh tế thị trường. Do đó, chủ trương tái cơ cấu DNNN là đúng, nhưng cần thúc đẩy quá trình thực hiện. “Chúng ta không thể cứ mãi nói rằng, doanh nghiệp tư nhân chưa đủ khả năng, năng lực còn yếu. Hiện, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã ngày càng trưởng thành, họ có đủ năng lực thực hiện nhiều dự án lớn. Đặc biệt, nếu họ cũng nhận được ưu đãi như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI”, TS Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế phát biểu quan điểm về vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế hiện nay.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương trăn trở và lo lắng với thực trạng tham nhũng tại Việt Nam không được phòng chống tốt, thậm chí ngày càng gia tăng. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một chỉ số đáng thất vọng nhất là, doanh nghiệp muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận thì cần phải trả từ 0,7 - 1 đồng tiền chi phí không chính thức.

Đề cập tới tác động của tham nhũng và chi phí phi chính thức, TS Lê Đăng Doanh dẫn hàng loạt số liệu của các tổ chức thế giới cũng như trong nước về xếp hạng môi trường đầu tư cũng như chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, điều đó cho thấy, tình trạng tham nhũng, hối lộ sau một thời gian lắng xuống đang có chiều hướng gia tăng trở lại. Trong đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, gánh nặng phí “bôi trơn”, đút lót đang cản trở ý định mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát biểu bế mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: Diễn đàn đã đánh giá lại kết quả thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2014, đánh giá hướng đi cho năm 2015. Nội dung được bàn nhiều là môi trường đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư. Về hội nhập, nhiều chuyên gia đã chứng minh, Việt Nam đã hội nhập và đạt nhiều chỉ số hội nhập quan trọng, thậm chí cao hơn một số quốc gia khác. Nhưng thực tế, “sức khỏe” của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, chưa đủ sức hội nhập một cách tự chủ và hiệu quả. Theo ông Giàu, để tăng sức cạnh tranh, cần chủ động nâng cao năng lực doanh nghiệp mà không thể đổ lỗi cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Các chuyên gia tham gia diễn đàn đã đưa ra nhiều giải pháp sát thực. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần lắng nghe, tham khảo để phục vụ quá trình quản lý, điều hành sao cho hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư liên quan đến nhiều vấn đề về thể chế, lao động, văn hóa, đạo đức. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý về thể chế và tổ chức thực hiện.

Ngọc Thái

Các tin khác