Kinh tế xã hội
Vẫn chuyện 'được mùa nhưng rớt giá'
08:26, 28/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Bước vào vụ thu hoạch năm nay, những nông dân trồng dứa ở huyện Quỳnh Lưu chưa kịp vui mừng vì được mùa thì phải khốn khổ với nỗi lo dứa rớt giá. Vào thời điểm này năm ngoái, giá dứa lên tới 6.000 - 6.500 đồng/kg, có khi đạt 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện tại, giá dứa giảm xuống chỉ còn từ 3.000 - 3.500 đồng/kg và có xu hướng tiếp tục giảm. Tiền bán dứa không bù được chi phí chăm sóc, thu hoạch khiến nông dân phải lao đao.
Nông dân lại điêu đứng vì điệp khúc “được mùa nhưng rớt giá” |
Mô hình trồng dứa đã được bà con nông dân huyện Quỳnh Lưu áp dụng từ nhiều năm nay, với giá thu mua khá cao, lại được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên nhiều người dân đã phấn khởi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thâm canh. Vụ dứa năm nay, huyện Quỳnh Lưu có tổng diện tích trồng lớn nhất toàn tỉnh, với gần 700 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Thắng (100 ha), Tân Thắng (50 ha), Quỳnh Châu (80 ha)…
Hiện tại, dù chưa vào chính vụ nhưng giá dứa vẫn không cao, khoảng 4 - 5 ngày trở lại đây, giá lại còn giảm sâu. Việc dứa bị rớt giá trong mấy ngày qua khiến người trồng dứa tại huyện Quỳnh Lưu không khỏi hoang mang, lo lắng. Nhiều hộ gia đình trồng dứa ở Quỳnh Lưu đành ngậm ngùi trước tình trạng “được mùa nhưng rớt giá”. Dứa bắt đầu chín rộ trên khắp các cánh đồng, bởi vậy, mặc dù rớt giá nhưng nếu không thu hoạch sớm thì dứa sẽ chín và hư hỏng hết. Người nông dân chỉ còn cách “lấy công làm lãi”, hy vọng vớt vát được chút ít vốn liếng đã bỏ ra.
Nhìn ruộng dứa bắt đầu chín, ông Hoàng Văn Tiến (65 tuổi) trú tại xóm 3, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu thở dài: “Năm ngoái thấy dứa được giá, nên năm nay tôi đầu tư thêm 2 sào đất trồng dứa, vậy mà giá rớt thảm quá. May có mấy đứa cháu thu hoạch giùm cho chứ nếu thuê người hái mà giá dứa thấp thế này thì không đủ bù tiền nhân công”.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Từ đầu vụ, bà con nông dân đã được tập huấn về kỹ thuật trồng và phòng ngừa sâu bệnh nên năm nay dứa sẽ được mùa, năng suất cao hơn hẳn mọi năm. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá xuống quá thấp, các doanh nghiệp lại không thu mua nên dân tự bán trôi nổi ngoài thị trường. Trước đây, Nhà nước đã quy hoạch vùng cho nông dân trồng dứa, cùng với đó, các doanh nghiệp ký kết thu mua dứa cho người dân nhưng nay nhà máy không hoạt động nên nông dân vẫn khổ vì được mùa nhưng rớt giá. Bởi vậy, mùa vụ năm sau sẽ rất khó vận động người dân thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Theo chị Lê Thị Ngọc (45 tuổi) trú tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, một thương lái chuyên thu mua dứa: “Những năm trước, dứa ở địa phương đều được các doanh nghiệp và thương lái gom lại rồi đưa đi chế biến và tiêu thụ. Mọi năm dứa đắt như tôm tươi, không gom kịp hàng, vậy mà năm nay lại rớt giá thê thảm, không bán được. Tôi lấy hàng nhập cho các tỉnh khác nhưng vẫn khó có thể tiêu thụ hết lượng lớn như vậy”.
Giá cả bấp bênh là một điều đáng lo ngại, ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất và thu nhập của không ít người dân trồng dứa hiện nay. Để hạn chế tình trạng này, theo ông Trương Văn Châu, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNN tỉnh: Người dân cần rải vụ để hạn chế tình trạng ứ đọng hàng hóa, cung vượt cầu. Bên cạnh đó, giữa nhà máy và người dân cần có sự phối hợp, nhu cầu đến đâu thì cho chín nhân tạo đến đó để cả người dân và nhà máy đều có lợi.
Cao Loan