Kinh tế xã hội
Nhân tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP
Cần tăng cường kiểm tra việc đảm bảo ATTP
08:40, 23/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được quan tâm và đạt một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, tỉ lệ mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, mẫu thịt nhiễm vi sinh vượt giới hạn cho phép tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, người sản xuất và tiêu dùng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), năm nay, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP lấy chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 15/4 - 15/5. Tháng hành động năm nay đặc biệt chú ý đến các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP, trong đó chú trọng công tác đảm bảo ATTP đối với rau, thịt là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.
Theo đó, toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối cung cấp thực phẩm tiêu dùng hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác thanh, kiểm tra các tuyến tiếp tục được tăng cường, với việc thành lập các đoàn thanh tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã; các xã, phường, thị trấn, sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATTP rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối.
Chi cục ATVSTP tỉnh kiểm tra việc đảm bảo ATTP tại các doanh nghiệp |
Chiến dịch truyền thông trong Tháng hành động sẽ hướng tới đối tượng chính là các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh rau, thịt; chính quyền các cấp, ban quản lý chợ, siêu thị, chợ đầu mối, khu du lịch, khu công nghiệp và người tiêu dùng. Nội dung truyền thông gắn với việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng rau, thịt an toàn như: Thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia; vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến rau, thịt, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; phổ biến, tăng cường nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng ATVSTP theo quy định của pháp luật.
Bác sĩ Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh nhấn mạnh: Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người sản xuất, người kinh doanh và tiêu dùng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản theo hướng tập trung vào một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến từ rau thịt, thực hiện cam kết đảm bảo ATTP theo quy định của pháp luật. Tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm trong quá trình sản xuất, lưu thông thường xuyên và định kỳ lấy mẫu xét nghiệm theo quy định, qua đó xử lý nghiêm các vi phạm.
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt đã được xếp loại C theo kết quả các đợt kiểm tra theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các cấp chính quyền trong việc thu hẹp, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo chất lượng và môi trường. Đồng thời, để công tác đảm bảo ATVSTP thực sự đạt hiệu quả thì các cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã cần có sự quan tâm đúng mức đến hoạt động này, đồng thời làm tốt công tác tham mưu trong việc quản lý và triển khai các kế hoạch đảm bảo ATTP trên địa bàn.
Tuy nhiên, để mỗi bữa ăn đảm bảo VSATTP, cùng với nỗ lực của các ngành chức năng trong việc thanh, kiểm tra, kiến thức của người nội trợ là hết sức quan trọng. Không chỉ nhận biết, lựa chọn đúng thực phẩm đảm bảo an toàn, ngay trong khâu chế biến, bảo quản thực phẩm cũng cần quan tâm thực hiện cho đúng. Bên cạnh đó, chính người tiêu dùng sẽ là “kênh” thông tin quan trọng để phát hiện những cơ sở, người kinh doanh, chế biến, sản xuất không đảm bảo chất lượng, thông tin cho ngành chức năng xử lý kịp thời, góp phần loại trừ những thực phẩm không đảm bảo ATVSTP ra khỏi bữa ăn của chính gia đình mình và của cộng đồng.
Kết quả thanh, kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, toàn tỉnh đã tổ chức 478 đoàn thanh, kiểm tra; số lượt cơ sở được thanh, kiểm tra là 7.963; trong đó có 1.657 cơ sở vi phạm, đã xử lý 617 cơ sở với số tiền phạt 31.650.000 đồng; kết quả thanh, kiểm tra đạt 79,19%. So với cùng kỳ năm trước, số lượt cơ sở được thanh, kiểm tra tăng 14%; trong thời gian này, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Nam Sum Vina Diễn Châu.
Cao Loan