Kinh tế xã hội
Giá sữa đã 'giảm nhiệt'?
14:50, 20/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Bộ Tài chính vừa thông báo kết quả đăng ký giá, kê khai giá về mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, có 50 sản phẩm kê khai giảm giá với mức giảm từ 0,4 - 4%. Các mức giá mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 20/4/2015. Người tiêu dùng đang đứng trước cơ hội được hưởng lợi khi giá sữa đang có dấu hiệu “giảm nhiệt”, trong khi, một số mặt hàng sữa lại “âm thầm” đổi chuẩn, thay đổi mẫu mã, bao bì, độ tuổi, khiến thị trường sữa vốn đã đa dạng, nay lại càng có thêm nhiều chủng loại hơn.
Được biết, giữa năm 2014, Bộ Tài chính đã có Thông báo số 396/TB-BTC về danh sách doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá, kê khai giá tại Bộ Tài chính. Trong đó, đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, có 5 công ty phải thực hiện kê khai giá tại Bộ Tài chính, gồm: Công ty TNHH MeadJohnson Nutrition Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A và Công ty TNHH Tiên Tiến - nhà phân phối của Công ty TNHH MeadJohnson Nutrition Việt Nam.
Tiếp đó, vào ngày 25/3/2015, Cục Quản lý giá có Công văn số 90/QLG-NLTS, yêu cầu các công ty cắt giảm chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá của các sản phẩm sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính trong năm 2014 cho thấy, việc đưa phí quảng cáo vào giá sữa khiến giá các loại sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tăng cao, từ 2,18 - 16,39%. Bởi vậy, chi phí quảng cáo chiếm từ 20 - 30% giá thành sản phẩm sữa, khiến giá sữa liên tục tăng.
Người tiêu dùng đang phân vân trước nhiều chủng loại sữa |
Trước thông tin này, một số nhãn hàng sữa đã “âm thầm” đổi chuẩn, thay đổi mẫu mã, bao bì. Cụ thể, theo cách phân chia cũ, sữa công thức có các bậc dành cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi, 6 - 12 tháng tuổi, 1 - 3 tuổi, từ 3 tuổi trở lên… nay có sự thay đổi theo chuẩn mới là, từ 0 - 6 tháng tuổi, 6 - 12 tháng tuổi, 1 - 2 tuổi, từ 2 tuổi trở lên. Như vậy, đã tách sữa dành cho trẻ từ 1 - 3 tuổi thành 2 loại: Từ 1 - 2 tuổi và 2 - 4 tuổi. Ví dụ như nhãn hàng Enfagrow của Mead Johnson. Theo đó, các dòng sữa Enfagrow trước đây nay được tách thành 2 sản phẩm là Enfamil, dành cho trẻ từ 0 - 6 tháng, 6 -12 tháng, 1 - 2 tuổi và Enfagrow, dành cho trẻ từ 2 - 4 tuổi.
Chị Hà Phương trú tại phường Lê Mao, TP Vinh, chủ cửa hàng sữa trên đường Đinh Công Tráng, TP Vinh cho biết: Vào khoảng đầu tháng 4, cửa hàng chị nhận được thông báo về việc thay đổi chuẩn của một số mặt hàng sữa. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại không hề được biết thông tin về việc thay đổi này cho đến khi bị bắt buộc chọn lựa và mua sản phẩm mới. Khi nghe thông tin sữa đổi quy cách, nhiều khách hàng tỏ ra khá nghi ngại và lo lắng cả về mặt giá cả và chất lượng.
Chia sẻ về nỗi lo lắng này, anh Hạnh, một phụ huynh thường mua sữa tại đại lý của chị Hà Phương cho biết: “Bé nhà mình thường uống sữa Enfa dành cho trẻ từ 1 - 3 tuổi, nay lại nhận được thông tin thay đổi, không uống hộp cũ nữa. Mình được chủ cửa hàng tư vấn mua sữa mới dành cho trẻ từ 2 - 4 tuổi”. Cũng như nhiều phụ huynh khác, anh Hạnh đang phân vân, không biết chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng trong sữa có thay đổi hay không. Nếu thay đổi thì sẽ khác như thế nào? Chỉ là “rượu cũ, bình mới”? Hay đây chỉ là chiêu “lách luật” của một số hãng sữa khi có Công văn 90 về việc cắt giảm chi phí quảng cáo ra khỏi các mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi?
Thực hiện yêu cầu của Cục Quản lý giá, danh sách sản phẩm thực hiện kê khai giảm giá theo quy định sẽ được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện, các đơn vị liên quan đang tăng cường kiểm tra, thanh tra về việc thực hiện kê khai giá, phân bổ các khoản chi phí, đặc biệt là chi phí quảng cáo đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi.
Đồng thời, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, nếu phát hiện vi phạm thì cần xử lý kiên quyết, triệt để các hành vi vi phạm quy định của pháp luật hiện hành và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Hy vọng rằng, đó sẽ là một trong nhiều biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, không để giá sữa bị “tăng nhiệt” như trong thời gian vừa qua.
Mai Hậu