Kinh tế xã hội
Tập trung bảo vệ rừng để phát triển kinh tế
14:30, 15/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Rừng có vị trí quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội của từng quốc gia nói riêng và của toàn cầu nói chung. Rừng góp phần đắc lực trong việc giảm thiểu tác hại của thiên tai và ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu, đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng một nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Ngày nay, công tác chống chặt phá rừng, kiểm tra việc sử dụng đất lâm nghiệp được Đảng ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Trong năm 2014, ngành Kiểm lâm tỉnh đã thực hiện 720 đợt kiểm tra, tuần tra chống chặt phá rừng, quản lý lâm sản; kiểm tra, xử lý 108 cơ sở chế biến lâm sản vi phạm, đình chỉ 43 cơ sở; xử lý 917 vụ vi phạm, tịch thu 2.369 m³ gỗ các loại, 858 kg động vật rừng, 19 phương tiện các loại; tổng thu nộp ngân sách 16,248 tỉ đồng. Đặc biệt, trong dịp ra quân chống chặt phá rừng, chống mua bán, vận chuyển gỗ trái phép dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, lực lượng chức năng đã xử lý 221 vụ, thu về ngân sách Nhà nước gần 2,5 tỉ đồng.
Những kết quả nổi bật của lực lượng kiểm lâm đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của chính quyền, tổ chức doanh nghiệp và cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Nhờ vậy, diện tích rừng tự nhiên được giao khoán bảo vệ ngày càng tăng, nâng tỉ lệ độ che phủ rừng. Trong năm 2014, đã chuyển đổi 259,81 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng là 96,1 ha, diện tích không có rừng 218,42 ha; diện tích thu tiền tái tạo rừng 41,38 ha; số tiền thu được hơn 500 triệu đồng.
Cán bộ kiểm lâm tuần tra, kiểm tra rừng để giữ gìn, bảo vệ tài nguyên rừng |
Lực lượng Kiểm lâm đã bố trí thêm các nguồn dự án, trồng thêm giống mới 30 ha. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn như: Nhiều đợt tuần tra với đầy đủ lực lượng liên ngành nhưng kết quả chưa cao; tình trạng khai thác, săn bẫy động vật hoang dã, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn; công tác nắm bắt, xử lý tin báo còn hạn chế; công tác quản lý lao động tại các trạm, đội còn một số bất cập; cần có phương án cụ thể để quản lý rừng sau khi công trình thủy điện đi vào hoạt động.
Xuất phát từ tình hình, đặc điểm nêu trên, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh luôn chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác QLBVR, phòng chống cháy rừng, đồng thời xây dựng các phương án phù hợp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, Chi cục thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng được tăng cường. Chính quyền các cấp, các tổ chức, đơn vị chủ rừng đã quan tâm thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về QLBVR, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Các cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn các thôn, bản có rừng xây dựng quy ước, nhân dân tham gia ký cam kết bảo vệ rừng, đến nay, đã có trên 700 thôn, bản xây dựng quy ước bảo vệ rừng. Nhờ vậy, nhận thức pháp luật của nhân dân từng bước được nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật có bước chuyển biến đáng kể.
Có thể thấy, phát triển kinh tế bền vững luôn gắn với bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, bảo vệ các giống cây trồng, động vật quý hiếm; phát triển mô hình "đổi lương thực lấy rừng, đổi năng lượng lấy rừng"; phát triển mô hình du lịch sinh thái. Đặc biệt, phải quy hoạch và quản lý xây dựng, nhất là các khu dân cư miền núi cần đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng để người dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh và bảo vệ rừng có hiệu quả.
Ông Lê Cao Bính, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: Toàn tỉnh có tổng diện tích 870.000 ha rừng; diện tích rừng tự nhiên là 739.000 ha, chiếm tỉ lệ 82%. Để thực hiện tốt công tác QLBVR, năm 2015, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp giữa các ngành, các xã vùng giáp ranh tăng cường tuyên truyền giáo dục, đấu tranh ngăn chặn nhằm làm giảm số vụ vi phạm và gây thiệt hại về nguồn tài nguyên rừng.
Tại các “điểm nóng” thường xảy ra tình trạng chặt phá rừng, các đơn vị sẽ cử cán bộ có kinh nghiệm bám cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng, đồng thời, phối hợp với các đoàn thể và chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, vận động nhân dân phát hiện, tố giác hành vi phá rừng của kẻ xấu.
Lực lượng kiểm lâm huyện tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản trên các tuyến giao thông; kiểm tra các đơn vị thi công các công trình trên địa bàn, ngăn chặn và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân xâm hại đến tài nguyên rừng. Đồng thời, các hạt kiểm lâm tiếp tục cử lực lượng bám sát cơ sở, xây dựng nguồn tin báo tội phạm trong nhân dân, tại các điểm “nóng” thường xảy ra chặt phá rừng, hay các tuyến đường giao thông thường xảy ra tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép.
Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thời gian tới, tình trạng xâm hại rừng trái phép trên địa bàn tỉnh sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi và hạn chế đến mức thấp nhất những "điểm nóng" về phá rừng.
Cao Loan