Kinh tế xã hội

Công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N6

Nâng cao ý thức người chăn nuôi và chính quyền cơ sở

09:11, 10/04/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Mấy ngày qua, thông tin gia cầm của hộ gia đình ông Trần Kim Chung ở xóm Dinh, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp bị nhiễm cúm A/H5N6 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn ra ngày càng phức tạp và điều kiện thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay. Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân là cơ sở quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.
 
Theo đó, ngày 2/4, UBND huyện Quỳ Hợp nhận được báo cáo của UBND xã Nghĩa Xuân về tình trạng gia cầm ốm, chết. Hộ gia đình ông Trần Kim Chung nuôi 151 con gà. Đến ngày 27/3 thì có rải rác một số gà chết với các biểu hiện lâm sàng như: Sốt cao, chảy nước dãi, đầu sưng, mào tím tái, toàn thân xuất huyết. Tuy nhiên, gia đình lại không báo cáo lên chính quyền xã và lực lượng thú y cơ sở. Mãi đến sáng 2/4, số gà chết lên đến 11 con thì người trong gia đình mới thông báo với lực lượng chức năng. 
Bộ phận thú y phun thuốc tiêu độc, khử trùng  ở địa bàn bị nhiễm dịch bệnh
Bộ phận thú y phun thuốc tiêu độc, khử trùng ở địa bàn bị nhiễm dịch bệnh
Cũng trong sáng 2/4, ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Chi cục Thú y đã trực tiếp đến địa phương xảy ra dịch để kiểm tra, đồng thời làm việc với UBND huyện Quỳ Hợp, UBND xã Nghĩa Xuân để chỉ đạo phòng chống dịch khẩn cấp. Đơn vị cũng đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, tiến hành tiêu hủy ngay trong chiều 2/4. Kết quả xét nghiệm của cơ quan Thú y vùng III cho thấy, mẫu bệnh phẩm gia cầm của ông Trần Kim Chung dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N6. 
 
Đây là chủng vi rút mới phát hiện vào cuối năm 2014 ở các tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh; đầu năm 2015 đã xảy ra ở Thanh Hóa và một số địa phương khác. Nếu bị biến đổi gen, khả năng lây sang người của chủng cúm này là khá cao. Theo như phía gia đình ông Chung cho biết, số gà giống này được mua từ đại lý Đức Hạnh, TX Thái Hòa (nhập từ tỉnh Bình Định về). Ngay sau đó, vào sáng 3/4, cơ quan thú y đã cấp 1.000 liều vắc- xin và 100 lít hóa chất để tiêm phòng cho các hộ dân.
 
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan nhanh, ngày 4/4, lãnh đạo Cục Thú y, cơ quan Thú y vùng III tiếp tục làm việc với lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp và UBND xã Nghĩa Xuân tập trung điều tra và lấy thêm mẫu bệnh phẩm từ đàn gia cầm của các hộ gia đình lân cận và của hai hộ gia đình đã mua gà của ông Chung trước đó. Đó là hộ gia đình bà Hoàng Thị Mai ở xóm Liên Xuân, xã Nghĩa Xuân (mua 15 con) và bà Nguyễn Thị Việt Hương ở xã Minh Hợp (mua 15 con, sau vài ngày đã chết 3 con).
 
Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm của ông Chung và các hộ liền kề cũng như của hộ bà Mai và bà Hương theo đúng quy trình kỹ thuật. Tính đến ngày 5/4, tổng số gia cầm tiêu hủy là 318 con. Bộ phận thú y cũng đã tổ chức tiêm vắc-xin cúm gia cầm cho 8.743 con gia cầm trên địa bàn xã, các xóm thuộc vùng dịch uy hiếp, vùng nguy cơ cao. Đồng thời, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng tại 7 xóm: Rắc vôi, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc chuồng trại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp, tại các hố chôn gia cầm và đường làng, ngõ xóm. 
 
Có thể thấy, Nghệ An là một trong những địa phương có số hộ chăn nuôi nhiều so với cả nước, nhưng hoạt động còn nhỏ lẻ và manh mún. Trong khi đó, ý thức của người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh vẫn còn hạn chế. Theo quy định, khi hộ chăn nuôi mua giống mới, phải báo cáo chính quyền cơ sở và bộ phận thú y. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn còn chủ quan về vấn đề này, không thực hiện tiêm phòng cho đàn gia cầm, gia súc.
 
Trong khi đó, khi xảy ra tình trạng gia cầm chết lại chậm báo cáo với chính quyền sở tại, không chủ động phòng dịch mà lại mua thuốc của những người không thuộc thẩm quyền xử lý dịch bệnh. Mặt khác, tình hình buôn lậu gia cầm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, cộng với các lò giết mổ tại các chợ đầu mối chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã khiến khả năng lây nhiễm và lây lan dịch bệnh sang người rất cao. Chính quyền cấp cơ sở, đặc biệt là cấp xã cần chủ động nắm tình hình, nếu phát hiện các hành vi vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc thì cần xử lý kịp thời. Có như vậy, tình hình dịch bệnh mới được kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả.

Mai Hậu

Các tin khác