Kinh tế xã hội
Hiệu quả công tác dạy nghề trong trại giam
08:23, 07/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cùng với việc giáo dục, cảm hóa và hướng thiện phạm nhân, trong những năm qua, công tác dạy nghề đã được chú trọng, với mục đích nhân văn là sau khi ra trại, tái hòa nhập cộng đồng, phạm nhân có được việc làm nhờ tay nghề vững vàng. Thông qua Hội thi tay nghề giỏi phạm nhân vừa được Trại giam số 6 tổ chức, mới thấy được tầm quan trọng của việc trang bị “cần câu cơm” cho phạm nhân trước khi tái hòa nhập cộng đồng.
Hiệu quả từ một cuộc thi
Với 685 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Phân trại số 3 Trại giam số 6, cuộc thi tay nghề khâu bóng giỏi lần thứ nhất năm 2015 được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua thực sự là ngày hội lớn để họ có cơ hội trổ tài sau những năm tháng vừa rèn người, vừa học nghề trong trại giam. Với mục đích nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức học nghề, truyền nghề cho phạm nhân trong lao động và sản xuất, đồng thời giúp phạm nhân khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù có tay nghề dễ dàng tìm kiếm việc làm, trở thành công dân có ích cho xã hội khi trở về tái hoà nhập cộng đồng, cuộc thi đã được trại giam tổ chức với sự tham gia của 51 phạm nhân, chia thành 17 đội, đại diện cho gần 700 phạm nhân đang lao động ở các ngành nghề như khâu bóng, mây tre đan, làm mi mắt giả và đan len.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, dưới sự giám sát của cán bộ kỹ thuật Công ty dụng cụ thể thao bóng Hoàng Long (là đơn vị phối hợp thực hiện) và cán bộ đội lao động dạy nghề, cùng với sự cổ vũ nhiệt tình của các phạm nhân đang lao động sản xuất tại đây, các thí sinh đã làm ra những sản phẩm hoàn thiện, đẹp mắt. Ngay cả đồng chí Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, Cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và Hòa nhập cộng đồng (C86), Tổng cục VIII Bộ Công an khi trực tiếp chứng kiến phần thi cũng đã đánh giá rất cao năng lực của các thí sinh, cũng như công tác quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân tại Trại giam số 6, đặc biệt là công tác tổ chức lao động sản xuất, dạy nghề và truyền nghề cho phạm nhân. Kết thúc cuộc thi, Công ty Dụng cụ thể thao bóng Hoàng Long đã cấp chứng chỉ cho 51 phạm nhân có tay nghề khâu bóng giỏi. Cũng tại cuộc thi này, Công ty Mây tre đan Đức Phong, địa chỉ tại huyện Diễn Châu cũng đã cấp chứng chỉ cho 10 phạm nhân có tay nghề cao về mây tre đan.
Phạm nhân tham gia Hội thi tay nghề giỏi lần thứ nhất năm 2015 |
Chú trọng công tác dạy nghề cho phạm nhân
Đồng chí Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị Trại giam số 6 cho biết: Với hơn 4.200 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, Trại giam số 6 là một trong những đơn vị trại giam có số lượng phạm nhân đông nhất cả nước tính đến thời điểm hiện nay. Trong những năm qua, công tác dạy nghề và truyền nghề cho phạm nhân được Ban Giám thị chú trọng hàng đầu.
Ngay từ đầu năm, Đảng ủy, Ban Giám thị đã chỉ đạo Đội Lao động dạy nghề xây dựng các loại ngành nghề sản xuất phù hợp, triển khai kế hoạch và giao chỉ tiêu trực tiếp cho các phân trại. Trên cơ sở đó, các phân trại giao chỉ tiêu trực tiếp cho các đội phạm nhân thực hiện những ngành nghề cụ thể, như: Trồng trọt, sản xuất gạch, thu gom đá, gia công, đan len, làm mi mắt giả, khâu bóng, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Trại giam số 6 cũng chú trọng đưa lao động vào nhà xưởng, đảm bảo an toàn công tác quản chế, giam giữ, phối hợp với các công ty, đơn vị bên ngoài để vừa giúp phạm nhân học nghề, vừa bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, nhiều phạm nhân sau khi ra trại nếu có nhu cầu, các công ty này cũng sẽ tiếp nhận họ vào làm việc như những công nhân bình thường khác, nếu có tay nghề giỏi và đáp ứng được yêu cầu công việc. Thực tế, trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt đã được các công ty như Công ty Mây tre đan Đức Phong, Công ty Dụng cụ thể thao bóng Hoàng Long… nhận vào làm việc và đã phát huy rất tốt tay nghề, phần việc của mình.
Một số phạm nhân khác sau khi ra trại, với tay nghề có được đã tự mình đi lên từ chính nơi vấp ngã, lập nên các công ty, trở thành chủ xưởng và quay trở lại giúp đỡ các phạm nhân khi chấp hành xong án phạt bằng cách nhận vào làm việc tại cơ sở của mình. Điển hình như anh Phạm Thiết Tưởng trú tại huyện Quỳ Hợp, sau khi mãn hạn tù, với nghề học được trong trại giam, anh đã mở 2 xưởng gara ôtô, nhận truyền nghề cho hơn 100 người, 11 lao động đang làm việc là những người đã từng lầm lỡ. Hay như anh Nguyễn Ngọc Xuân trú tại huyện Nghĩa Đàn, sau khi chấp hành xong bản án 7 năm tù, trở về quê ở xã Nghĩa Hội, nhờ tay nghề vững vàng, được trau chuốt từ những năm tháng trong trại giam, anh trở thành ông chủ, nhận nhiều người đã từng lầm lỡ vào làm việc.
Đồng chí Thiếu tá Trần Hữu Thành, Đội trưởng Đội Kế hoạch - Hướng nghiệp - Dạy nghề và Xây dựng cho biết thêm: Hàng năm, công tác dạy nghề, truyền nghề ở Trại giam số 6 luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi nên đã đạt được những thành tích nhất định. Đối với người bình thường, rèn luyện để có một tay nghề vững vàng là điều không dễ dàng, với các phạm nhân - những con người khiếm khuyết về nhân cách, hạn chế về trình độ, sức khỏe… thì việc học nghề để sau này có thể “kiếm cơm” là điều khó gấp bội.
Tuy nhiên, sau khi phạm nhân vào trại, dựa trên tình trạng sức khỏe và nguyện vọng, hoàn cảnh của từng phạm nhân, Ban Giám thị sẽ bố trí từng người theo học các ngành nghề phù hợp. Bằng cách cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của phạm nhân từ chính kết quả lao động của họ đã tạo nên sự hứng thú và niềm hy vọng cho từng phạm nhân. Thông qua việc học nghề, phạm nhân không chỉ biết quý trọng đồng tiền được làm ra từ chính mồ hôi, nước mắt của mình mà còn thêm trân trọng thành quả lao động của người khác.
Thiên Thảo