Kinh tế xã hội
Cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại trang thiết bị y tế
09:08, 02/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cùng với tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ thì chất lượng của các loại trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế có vai trò rất quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.
Nhận thức rõ điều này, từ những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực sử dụng các loại trang thiết bị y tế được cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua cho thấy, đã đến lúc cần phải có những quy định chặt chẽ hơn nữa trong công tác quản lý, kiểm soát việc đầu tư, mua sắm, sử dụng các loại trang thiết bị đặc biệt này ở các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo quy định của pháp luật, thiết bị y tế là loại hàng hóa thiết yếu, trực tiếp liên quan đến công tác chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Do đó, các thiết bị y tế đã qua sử dụng là mặt hàng cấm nhập khẩu. Các doanh nghiệp được phép nhập khẩu loại hàng hóa đặc biệt này phải thực hiện đúng các quy định về việc kiểm soát chặt chẽ giá trị và chất lượng các mặt hàng theo giấy phép đã được cấp. Do điều kiện năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng được khả năng nội địa hóa, do đó, hiện có tới 80% các loại trang thiết bị y tế đang được sử dụng tại các cơ sở điều trị trong nước phải nhập khẩu.
(Congannghean.vn)-Cùng với tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ thì chất lượng của các loại trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế có vai trò rất quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. |
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ cần vốn pháp định 200 triệu đồng là có thể mua bán trang thiết bị y tế. Lợi dụng “kẽ hở” của quy định cho phép kéo dài giá trị sử dụng giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế trong khoảng thời gian một năm, sau khi nhập một lô trang thiết bị y tế về bán cho đơn vị khác, doanh nghiệp có thể tuyên bố giải thể. Do vậy, khi lô hàng bị phát hiện “có vấn đề” về chất lượng, cơ quan chức năng đã gặp phải không ít khó khăn trong quá trình điều tra, tìm ra công ty chịu trách nhiệm chính.
Thực tế, trong những vụ việc doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị y tế quá “đát”, kém chất lượng bị phát hiện vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp có địa chỉ ảo, khi cơ quan chức năng tiến hành triệu tập để làm việc thì lãnh đạo các doanh nghiệp này đều bỗng nhiên “mất hút”. Cũng từ những vụ việc đã bị phanh phui, đưa ra ánh sáng thời gian qua cho thấy, phần lớn các cơ sở y tế công lập là địa chỉ tiếp nhận, sử dụng các loại trang thiết bị y tế không đảm bảo chất lượng. Điều này đồng nghĩa với chất lượng khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng, cùng với đó là sự lãng phí không nhỏ nguồn ngân sách Nhà nước.
Trước thực trạng trên, nhằm kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, đồng thời ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp tìm cách “lách luật” để nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành có liên quan như: Y tế, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường. Theo Khoản 2, Điều 70, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm đối với các loại dược phẩm, vắc-xin, sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế.
Việc để xảy ra tình trạng các loại trang thiết bị y tế hết “đát”, không đảm bảo chất lượng được sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm không nhỏ của ngành y tế. Do đó, Bộ Y tế cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong quy trình thẩm định, đưa vào sử dụng các loại trang thiết bị y tế ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Trước mắt, các ngành chức năng cần tiến hành tổng rà soát các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu trang thiết bị y tế, phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm.
Bên cạnh việc đổi mới cơ chế quản lý, đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế, đã đến lúc cần phải có những chế tài xử phạt thực sự nghiêm minh đối với các vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp liên quan tới hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế theo quy định, tránh để xảy ra tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”.
Bùi Minh Tuấn