Kinh tế xã hội
Sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc: Tiền mất, tật mang
15:30, 26/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Làm đẹp là nhu cầu vốn có của mọi người, nhất là với phái nữ. Công nghệ làm đẹp với hàng trăm nhãn hiệu mỹ phẩm trên thế giới luôn thu hút sự quan tâm của các chị em. Hiện nay, cùng với sự phát triển của Inernet và mạng xã hội, không khó để người tiêu dùng có thể tìm mua cho mình một loại mỹ phẩm ưng ý. Thế nhưng, không phải ai cũng đạt được kết quả như lời quảng cáo: “Tốt - rẻ - đẹp”, và cũng không ít chị em đã phải tìm đến bệnh viện để giải quyết hậu quả của việc sử dụng mỹ phẩm “xách tay” không rõ nguồn gốc…
Vốn tự ti về nước da không trắng sáng, mịn màng nên vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, khi được một người bạn giới thiệu sản phẩm làm trắng da qua mạng với mức giá phải chăng, chị V.T.N. trú tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương lập tức mua về dùng thử. Tuần đầu tiên, đúng như lời quảng cáo, làn da chị được cải thiện đáng kể, bớt sần sùi và tàn nhang, thấy vậy, chị khấp khởi mừng thầm.
Mỹ phẩm được bày bán rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Ảnh minh họa |
Thế nhưng, chỉ sau đó 2 tuần, da chị bị kích ứng và nổi mẩn ngứa đỏ ửng, từ một chỗ nhỏ rồi dần lan ra toàn bộ khuôn mặt. Thấy tình trạng trên không được cải thiện, chị vội vàng đến Trung tâm chống Phong - Da liễu Nghệ An để khám. Tại đây, các bác sĩ kết luận chị bị viêm da tiếp xúc, phải nhanh chóng điều trị. Nguyên nhân cũng từ hộp mỹ phẩm mà chị mua với giá rẻ từ người bạn qua mạng xã hội Facebook.
Bác sĩ Kiều Ngọc Đức, Phó Giám đốc Trung tâm chống Phong - Da liễu tỉnh Nghệ An cho biết: Năm 2014, đơn vị đã tổ chức khám và điều trị cho 37.000 lượt người. Trong đó, có các trường hợp bị viêm da tiếp xúc do sử dụng hóa mỹ phẩm. Có người thì chỉ 1 - 2 ngày là biểu hiện rõ ràng nhưng đa phần là phải 2 - 3 tuần sau, chị em mới biết khi thấy làn da có những dấu hiệu bất thường. “Hiện nay, có nhiều công ty đã đầu tư nghiên cứu, giới thiệu những sản phẩm có chất lượng nhưng cũng có không ít người chạy theo lợi nhuận vội vàng chào bán những loại mỹ phẩm gây độc hại tới người tiêu dùng”, bác sĩ Đức cho biết thêm.
“Dạo quanh” các cửa hàng bán mỹ phẩm trên mạng, người tiêu dùng không khó để tìm được nhiều sản phẩm thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ mạt như son môi, phấn má, mascara, nước hoa hồng, kem dưỡng da… của nhiều hãng danh tiếng thế giới như Maybelline, Essance, Shiseido, L’Oreal Paris... Theo nội dung quảng cáo, các sản phẩm này được bán với giá chỉ bằng 1/3 - 1/5, thậm chí 1/10 giá trị của sản phẩm thật đang có trên thị trường.
Những sản phẩm này giống hệt hàng chính hãng, từ bao bì, nhãn mác đến màu sắc, hình dáng… mà người tiêu dùng thông thường rất khó phân biệt thật giả. Trước những lời chào mời như: “Mỹ phẩm Shiseido cao cấp, giảm giá 60%, giao hàng tận nơi…” hay “Mỹ phẩm Hàn Quốc xách tay, miễn phí cước vận chuyển, đẹp da, trắng sáng, đảm bảo chất lượng…”, nhiều chị em không khỏi bị hấp dẫn. Bên cạnh đó, các trang Facebook, cửa hàng online còn “tung” ra các chiêu bài khuyến mại, sale off, thu hút rất nhiều người tiêu dùng trẻ.
Đánh vào tâm lý ham của rẻ của một bộ phận người dân có thu nhập thấp, ít kinh nghiệm, trong thời gian gần đây, việc bán mỹ phẩm trên mạng xã hội diễn ra khá rầm rộ. Nếu như trước kia, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được bán công khai tại các chợ đêm, chợ cóc thì nay “len lỏi” vào tận các trang web, Facebook. “Thật tỉnh táo trước những lời quảng cáo về làm đẹp. Không có cái gì nhanh mà tốt cả, nhất là việc đó lại liên quan đến sức khỏe của bản thân. Khi bắt đầu dùng sản phẩm mới, phải thử một vài lần với diện tích nhỏ, ít quan sát, nếu không có phản ứng thì mới dùng tiếp. Tuyệt đối nói không với những loại hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc”, bác sĩ Đức chia sẻ về kinh nghiệm lựa chọn mỹ phẩm đảm bảo chất lượng.
Mai Hậu