Kinh tế xã hội

Nước và phát triển bền vững

08:17, 23/03/2015 (GMT+7)
Vào năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về môi trường và phát triển (UNCED) đã quyết định chọn một ngày quốc tế dành cho nguồn nước ngọt. Ngày Nước Thế giới được kỷ niệm vào ngày 22/3 hàng năm nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng về tầm quan trọng của nước và thúc đẩy việc quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước ngọt.
 
Năm nay, Ngày Nước Thế giới (22/3/2015) được kỷ niệm với chủ đề: “Nước và phát triển bền vững”. Chủ đề cho năm 2015 nhấn mạnh tới sự tác động liên quan của nước đến tất cả các lĩnh vực. Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: Trong khi Liên hợp quốc đang chuẩn bị áp dụng một chương trình phát triển bền vững mới cho giai đoạn sau năm 2015 vào tháng 9 tới đây thì Ngày Nước Thế giới năm nay nhấn mạnh vai trò nổi bật và thiết yếu của nguồn nước. Yếu tố này cần thiết cho sức khỏe cộng đồng và những tiến bộ bình đẳng. Nó cũng cần thiết cho thực phẩm và an ninh năng lượng, và các hoạt động của ngành công nghiệp.
 
Một thực tế có thể thấy rõ là hiện tượng biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến nghiêm trọng, lượng cầu về các nguồn năng lượng không tái tạo xuất phát từ nông nghiệp, công nghiệp và các thành phố ngày càng gia tăng và hiện tượng ô nhiễm đang ngày càng tồi tệ trong nhiều khu vực càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước. Và vấn đề này chỉ có thể được kiềm chế thông qua việc thiết lập một kế hoạch và các chính sách toàn cầu và ngang bằng ở cấp quốc tế, khu vực và toàn cầu.
 
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
 
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường là một trong những vấn đề cấp bách nhất. Mặc dù có những tiến bộ trong khuôn khổ các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ được thông qua năm 2000 song 750 triệu người (hơn 1/10 dân số thế giới) vẫn không được tiếp cận với nguồn nước được cải thiện.
 
Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng bị tác động đặc biệt bởi tình trạng này. Không được tiếp cận với nguồn nước không chỉ khiến sức khỏe của họ bị nguy hiểm, mà còn làm họ mất nhiều thời gian để đi lấy nước - một hoạt động phi sản xuất mà còn có thể gặp nguy hiểm.
 
Các số liệu về vệ sinh thậm chí còn kém khích lệ hơn. Gần 2,5 tỷ người sống mà không có các điều kiện vệ sinh được cải thiện và 1 tỷ người không có nhà vệ sinh. Vì lý do này, vệ sinh môi trường là lĩnh vực mà những tiến bộ cần đạt được trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ được mong muốn nhiều nhất. “Chúng ta không thể đảm bảo nhân phẩm, sức khỏe và sự thịnh vượng cho tất cả mọi người khi nào chúng ta không giải quyết được vấn đề quan trọng này” - Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh.
 
Chính vì vậy, theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, để đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước, chúng ta phải cùng hành động với tinh thần hợp tác, cởi mở với những ý tưởng mới và sự sáng tạo. Nếu thành công, chúng ta có thể xóa bỏ đói nghèo, thúc đẩy sự thịnh vượng và hạnh phúc của tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi trên thế giới, bảo vệ môi trường và chống lại các mối đe dọa của biến đổi khí hậu.
 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác