Kinh tế xã hội

Chương trình nước sạch tại miền núi

Đầu tư hàng trăm tỉ, dân vẫn 'khát'

07:53, 19/03/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An được đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng công trình nước sạch nhằm cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc. Tuy nhiên, rất nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng và ngừng hoạt động, gây lãng phí ngân sách và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh.
 
Việc bố trí nguồn vốn xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, đặc biệt cho các huyện miền núi là vấn đề cần thiết. Song, điều đáng buồn là hiệu quả sử dụng gần như tỉ lệ nghịch với số tiền đầu tư. Người dân ở các điểm được đầu tư vẫn luôn "khát" nước sinh hoạt bên những công trình vừa mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng hoặc bỏ hoang từ nhiều năm nay.
 
Điển hình như công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt ở bản Sơn Hà, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, được đầu tư xây dựng gồm một bể chứa nước và một nhà tắm, phục vụ nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân trong bản. Khi công trình mới đưa vào sử dụng, người dân rất vui mừng vì không còn phải xách từng can nước dưới khe suối về dùng. Tuy nhiên, công trình chỉ sử dụng được gần 1 năm đã bắt đầu hư hỏng, người dân lại phải ra suối gánh nước.
 
Hàng loạt công trình nước sinh hoạt ở miền núi bị bỏ hoang
Hàng loạt công trình nước sinh hoạt ở miền núi bị bỏ hoang
 
Người dân nơi đây cho biết: “Cán bộ nói dân không biết bảo quản nên nhanh hư hỏng. Nhưng thực tế, từ khi có công trình nước sinh hoạt tự chảy về đến tận nhà, người dân vui như được mùa. Nhưng mới dùng được thời gian ngắn thì không có nước nữa nên công trình mới bị bỏ hoang. Khi chúng tôi kiến nghị thì không có ai về sửa chữa”. Tìm hiểu được biết, tại huyện Tương Dương, không chỉ ở xã Tam Quang mà các xã Tam Đình, Tam Thái, Nga My, Xiêng My... cũng có không ít công trình nước sạch đã bị hư hỏng, bỏ hoang hoặc không phát huy tác dụng.
 
Cùng chung “hoàn cảnh”, tại các xã Yên Khê, Bình Chuẩn, Chi Khê, huyện Con Cuông cũng tồn tại những bể chứa nhưng không có nước, nhà tắm thì không còn cửa, các vòi nước bị đập gãy... Một điều đáng nói là những công trình nước sạnh được đầu tư về huyện Con Cuông, mặc dù được thiết kế để phục vụ các hộ dân thiếu nước sinh hoạt, thế nhưng, khi đưa vào sử dụng, số hộ được hưởng lợi từ công trình này chưa đến 10% so với năng lực đầu tư là 90% hộ dân được sử dụng. Đến nay, 10% hộ dân này cũng không thể sử dụng được bất cứ một hệ thống nước sinh hoạt tự chảy nào. Tất cả đều bỏ hoang từ nhiều năm nay.
 
Qua tìm hiểu ở một số xã có công trình nước sinh hoạt tự chảy, hầu hết lãnh đạo địa phương đều cho rằng, nguyên nhân các công trình hoạt động ít hiệu quả hoặc không hiệu quả được xác định là do địa hình đồi núi có độ dốc cao, thường xảy ra sạt, lở đất đá làm gãy đường ống; ảnh hưởng do sửa chữa đường giao thông và người dân canh tác đã làm vỡ ống dẫn nước; chất lượng của bể chứa nước chưa đảm bảo; các công trình đầu tư chủ yếu ở vùng điều kiện kinh tế khó khăn, dân cư không tập trung nên chưa phát huy được hiệu quả, chưa có nguồn kinh phí khắc phục, sửa chữa… Cũng có địa phương hô hào sẽ trích một phần kinh phí để duy tu bảo dưỡng các công trình có khả năng sử dụng được. Đồng thời, khi đưa vào sử dụng sẽ tiến hành bàn giao cho thôn, bản ra quy chế quản lý, khai thác và bảo vệ.
 
Tại nhiều cuộc họp của Đảng bộ, HĐND, UBND huyện và các xã cũng đã kiểm điểm, nhắc nhở, đề ra cách giải quyết, nhưng rốt cuộc vẫn chưa khắc phục được tình trạng “cha chung”, gây lãng phí nghiêm trọng. Những ý kiến đó chỉ dừng lại trên giấy tờ mà chưa được triển khai trên thực tế.
 

Trường Khuyên

Các tin khác