Kinh tế xã hội
Chống 'tăng giá dây chuyền'
15:38, 18/03/2015 (GMT+7)
Giá điện tăng 7,5%, ngành Điện sẽ có thêm lợi nhuận, nhưng người dân và doanh nghiệp lại gặp không ít khó khăn. Điện tăng giá vào thời điểm xăng vừa tăng giá kéo theo nguy cơ “tăng giá dây chuyền” với những mặt hàng thiết yếu khác.
Mỗi lần tăng giá điện, ngành Điện luôn viện dẫn nhiều lý do, phần lớn do yếu tố khách quan đem lại (!?). Lần tăng giá này, ngành Điện lấy lý do giá than tăng, giá khí tăng, cùng với đó, thuế môi trường tăng, biến động tỷ giá..., đã làm tăng thêm chi phí của ngành Điện lên 10.941 tỉ đồng.
Điện là lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước nắm giữ quyền chi phối. Để xác lập giá, cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát tốt các chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất và truyền tải điện.
Xăng tăng giá từ 11/3, điện tăng giá từ 16/3. Vấn đề mà dư luận quan tâm lúc này là hậu của việc tăng giá xăng, giá điện, người dân và doanh nghiệp sẽ “vượt khó” bằng cách nào? Cơ chế kiểm soát giá của Nhà nước phải chống được nguy cơ “tăng giá dây chuyền” với những hàng hóa thiết yếu khác.
Người dân, doanh nghiệp phải "vượt khó" khi tăng giá điện |
Cơ chế kiểm soát giá phải được thực hiện thông qua công tác quản lý và bình ổn giá ở từng địa phương; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến giá cả thị trường, trước hết là các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa, gas, cước vận tải...; kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi thao túng thị trường, “ tăng giá dây chuyền” với những mặt hàng thiết yếu.
Điện, xăng là hai yếu tố đầu vào chính cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Muốn tồn tại, các doanh nghiệp phải có ngay “kịch bản” mới ứng phó với tăng giá điện, giá xăng nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, hạn chế thấp nhất tác động đến chi phí giá thành sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải thay đổi công nghệ, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, để giảm tiêu hao năng lượng.
Áp lực tăng giá điện đối với doanh nghiệp là tăng chi phí cho sản xuất, kinh doanh, còn đối với người dân không chỉ là khoản chi phí trực tiếp dành cho sử dụng điện sinh hoạt mà hàng loạt chi phí cho các dịch vụ, hàng hóa khác. Cũng như doanh nghiệp, từ nay, người dân phải sử dụng tiết kiệm điện, phải tằn tiện trong chi tiêu...
Cơ quan quản lý nhà nước kỳ vọng việc tăng giá điện không gây áp lực đến mục tiêu tăng trưởng GDP và vẫn kiểm soát được lạm phát. Kỳ vọng sẽ thành hiện thực khi kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không bị đình trệ, những hàng hóa thiết yếu khác không “tăng giá dây chuyền” theo điện và xăng...
Để các thị trường nói chung và thị trường điện, xăng nói riêng được vận hành thông suốt, hiệu quả, thì Nhà nước phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hành lang pháp lý để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, cạnh tranh bình đẳng trên thương trường.
Nguồn: dangcongsan.vn