Kinh tế xã hội
Giá điện tăng thêm 7,5%
Nỗi lo hệ lụy kép khi điện, xăng cùng tăng giá
08:36, 18/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Mặt hàng xăng, dầu được điều chỉnh giá bán tăng thêm 1.600 đồng/lít kể từ ngày 11/3 và giá điện tăng 7,5% kể từ ngày 16/3. Cùng với đó, bắt đầu từ tháng 5 tới, thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo mức tăng thêm 300% đã khiến nhiều người quan ngại. Trước cú “ăn ba” này, giá cả thị trường sẽ có sự leo thang, biến động nhất định trước khi thiết lập nên một sàn giá mới.
Sau hơn 20 lần giảm giá liên tục kể từ tháng 7/2014, bắt đầu từ 15 giờ ngày 11/3, giá xăng RON 92 và RON 95 tăng 1.600 đồng/lít. Cụ thể, theo thông báo của Bộ Công thương, giá xăng RON 92 sau khi điều chỉnh không quá 17.286 đồng/lít; xăng sinh học E5 không quá 16.956 đồng/lít; dầu diezel 0,05S (lưu huỳnh) không quá 15.883 đồng/lít; dầu hỏa không quá 16.323 đồng/lít và dầu mazút có giá bán lẻ không quá 12.767 đồng/kg.
Cũng từ ngày 16/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được Chính phủ cho phép tăng mức điều chỉnh giá bán điện thêm 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh. Lý do được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra cho việc đề xuất tăng giá điện là chi phí đầu vào của cơ quan này tăng tới 12% và trong gần 2 năm nay, giá của dầu, khí, than liên tục tăng. Trước đó, mặt hàng gas cũng đã điều chỉnh thêm 5.000 đồng mỗi bình loại 12 kg.
Sau xăng dầu, giá điện tăng thêm 7,5% khiến người tiêu dùng thực sự lo ngại |
Điện và xăng dầu là những yếu tố đầu vào quan trọng của toàn bộ nền kinh tế. Khi những mặt hàng này tăng giá sẽ tác động tới tất cả hàng hóa và kéo mặt bằng giá lên, trong đó trực tiếp là tác động lên giá lương thực, thực phẩm. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, “cú đúp” tăng giá xăng, điện sẽ khiến người dân tiếp tục gặp khó khăn khi các mặt hàng tiêu dùng sẽ “té nước theo mưa”, đội giá lên nhiều lần sau khi hai mặt hàng thiết yếu này có sự điều chỉnh.
Trong khi đó, mức lương cơ bản hiện tại (1,15 triệu đồng) mới chỉ đáp ứng khoảng 35,6% so với mức chi cho nhu cầu sống tối thiểu đã khiến người tiêu dùng thực sự lo ngại về một đợt “bão giá” sẽ diễn ra trong tương lai gần. Đối với các doanh nghiệp, điện, xăng cùng tăng giá sẽ “làm khó” cho nhiều ngành nghề, trong đó phải kể đến các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, nhất là các doanh nghiệp xi măng, sắt thép - lĩnh vực vốn tiêu thụ nhiều điện năng và nhiên liệu. Bài toán đơn giản được doanh nghiệp đưa ra là, với mức tiêu thụ bình quân 700 kWh điện cho mỗi tấn phôi thép, nếu giá điện tăng thêm 7,5% thì giá thành sản xuất tăng thêm 80.000 đồng/tấn phôi, đẩy giá thành tăng thêm 0,7%.
Trong khi đó, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang loay hoay với bài toán “đầu ra”, bởi sức tiêu thụ sắt thép, xi măng vẫn đang rất yếu. Do vừa phải cạnh tranh với hàng ngoại ồ ạt tràn vào, vừa cố gắng giữ được thị trường nên việc tăng giá bán trong giai đoạn khó khăn này là không thể, trong khi chi phí đầu vào lại tăng. Để đối phó, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng đang phải tính toán lại chi phí đầu vào, tìm các giải pháp cắt giảm chi phí hợp lý, cân nhắc giá bán đầu ra phù hợp trong những ngày tới để có thể duy trì sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong khi đó, ngành kinh doanh vận tải cũng đang đứng trước thế khó khăn khi xăng dầu tăng giá. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Nghệ An cho biết, biến động giá cả của thị trường xăng dầu và giá điện, giá gas dẫn đến đời sống của anh chị em nhân viên có những khó khăn hơn, buộc Hiệp hội phải tính đến phương án tăng lương, phụ cấp. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là giá cước vận tải sẽ tăng mà với mức tăng của xăng dầu như hiện tại, mức giá cước sẽ vẫn duy trì như cũ. Đại diện của hãng taxi Vạn Xuân, một trong hai đơn vị chiếm phần lớn thị phần taxi trên địa bàn Nghệ An tính đến thời điểm này cũng cho biết, công ty chưa có phương án tăng giá cước trong thời điểm hiện tại.
Có thể thấy, giá xăng dầu cùng với giá điện tăng cao đang tác động mạnh tới đời sống và tâm lý người tiêu dùng. Xăng dầu, điện tăng sẽ ảnh hưởng tới hàng nghìn mặt hàng. Doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, đồng thời tạo ra hiệu ứng tăng giá các mặt hàng khiến người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với việc giá cả leo thang.
Thiện Thành